Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu
Phân tích - Bình luậnPháp luật của Việt Nam và tác động của hiệp định TPP

Pháp luật của Việt Nam và tác động của hiệp định TPP

PL

Chương Sở hữu trí tuệ đặt ra những nghĩa vụ có tác động trực tiếp đến môi trường kinh doanh ở Việt Nam và các nước tham gia TPP.

1. Tổng quan

Chương Sở hữu trí tuệ - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ký ngày 04/02/2016) đặt ra những nghĩa vụ có tác động trực tiếp đến môi trường kinh doanh ở Việt Nam và các nước tham gia TPP.

Với mục tiêu chung của toàn bộ Hiệp định TPP, Chương Sở hữu trí tuệ (SHTT) nâng cao yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ so với chuẩn mực quốc tế phổ biến hiện nay là Hiệp định TRIPS của WTO.

Về phạm vi nghĩa vụ, Chương SHTT của Hiệp định TPP tương tự như Hiệp định TRIPS: Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, sáng chế, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp và thông tin bí mật (dữ liệu thử nghiệm dược phẩm và nông hóa phẩm), và một vài đối tượng có thể liệt vào phạm trù chống cạnh tranh không lành mạnh (tên quốc gia, tên miền Internet); và bên cạnh tiêu chuẩn bảo hộ từng loại quyền sở hữu trí tuệ là tiêu chuẩn thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, nội dung các tiêu chuẩn này (là bản chất nghĩa vụ bảo hộ SHTT theo Hiệp định TPP) cao hơn Hiệp định TRIPS, thường gọi là TRIPS “cộng”.

So với pháp luật hiện hành của ta về SHTT, có nhiều cam kết hoàn toàn phù hợp với pháp luật, hoặc phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước, mặc dù chưa được quy định trong pháp luật; nhưng cũng có nhiều cam kết dẫn đến những thay đổi lớn về pháp luật. Tài liệu này tóm tắt những cam kết có tác động  đến môi trường kinh doanh do những thay đổi hệ thống quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, kể cả luật hóa các quy định dưới luật và những nguyên tắc, tập quán vốn đã có trong hoạt động quản lý nhà nước.

2. Các nguyên tắc cơ bản về SHTT của Hiệp định TPP

(Phần A, từ Điều 18.1 đến Điều 18.11)

Ngoài việc tuân thủ các nghĩa vụ trong các cam kết quốc tế đã ràng buộc các Bên, quan trọng nhất là Hiêp định TRIPS, mỗi Bên phải dành sự bảo hộ sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực tối thiểu của TPP cho tổ chức, cá nhân của các Bên khác, và không kém mức dành cho tổ chức, cá nhân của mình (nguyên tắc đối xử như công dân).

Hiệp định TPP khẳng định lại rõ ràng các nguyên tắc quan trọng của Hiệp định TRIPS, như mục tiêu bảo hộ cần nhằm tạo ra và phổ biến công nghệ, quyền bảo vệ lợi ích sống còn về sức khỏe và dinh dưỡng của nhân dân (Điều 18.2), trong đó đặc biệt nhấn mạnh Tuyên bố Doha về Hiệp định TRIPS và sức khỏe cộng đồng (Điều 18.6), cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu trí tuệ và công chúng, chống lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ (Điều 18.3), quyền tự do định đoạt chính sách về nhập khẩu song song (Điều 18.11).

Bên cạnh đó là yêu cầu minh bạch hóa trên Internet quy định pháp luật, các thủ tục và các quyết định hành chính có hiệu lực áp dụng chung liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền SHTT; thông tin đã công bố về đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ đối với quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng (Điều 18.9)…

3.Tiêu chuẩn bảo hộ Nhãn hiệu, Chỉ dẫn địa lý và Tên quốc gia

3.1 Nhãn hiệu (Phần C, từ Điều 18.18 đến Điều 18.28)

(i) Đối tượng bảo hộ: Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và nỗ lực để bảo hộ nhãn hiệu mùi (Điều 18.18);

(ii) Điện tử hóa việc quản lý nhãn hiệu: Có hệ thống điện tử đối với đơn đăng ký và duy trì nhãn hiệu và hệ thống thông tin điện tử có thể truy cập, bao gồm dữ liệu trực tuyến về đơn và đăng ký nhãn hiệu (Điều 18.24);

(iii) Đăng ký li-xăng (việc cấp phép sử dụng nhãn hiệu): Không yêu cầu đăng ký li-xăng mà vẫn công nhận hiệu lực của li-xăng và công nhận việc sử dụng nhãn hiệu do bên nhận li-xăng thực hiện cũng như là do chủ sở hữu nhãn hiệu thực hiện (Điều 18.27);

(iv) Tên miền xung đột với nhãn hiệu: Đối với tên miền Internet mã quốc gia trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, phải có cơ chế giải quyết tranh chấp theo hoặc mô phỏng theo nguyên tắc cơ bản trong Chính sách của ICCAN hoặc mô hình đáp ứng các yêu cầu nhất định và chế tài chống đăng ký tên miền nhằm thu lợi không trung thực; và có cơ sở dữ liệu trực tuyến về thông tin liên lạc với chủ tên miền (Điều 18.28).

3.2 Tên quốc gia (Phần D, Điều 18.29)

Chống gây nhầm lẫn: Phải quy định chế tài đối với việc sử dụng tên quốc gia trong thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ hàng hóa.

3.3 Chỉ dẫn địa lý (Phần E, từ Điều 18.30 đến Điều 18.36)

(i) Thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý không bắt buộc, nhưng nếu có thì phải đáp ứng các yêu cầu như hệ thống đăng ký nhãn hiệu, và hơn nữa phải có cả thủ tục phản đối đơn và thủ tục hủy bỏ đăng ký. (Điều 18.31);

(ii) Tên gọi chung của hàng hóa: Chỉ dẫn địa lý hoặc yếu tố cấu thành chỉ dẫn địa lý đã trở thành tên gọi chung từ trước ở nước nào thì sẽ không được bảo hộ ở nước đó. (Điều 18.32.1 (c), 18.33, 18.34);

(iii) Hủy bỏ/chấm dứt sự bảo hộ:  Không được loại trừ hoàn toàn khả năng hủy bỏ/chấm dứt hiệu lực đăng ký (Điều 18.32.3).

3.4 Quan hệ giữa Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu được bảo hộ trước

Nếu có nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý mà nhãn hiệu lại được bảo hộ trước (đã đăng ký trước hoặc đã trở nên nổi tiếng trước) thì việc bảo hộ và sử dụng chỉ dẫn địa lý bị hạn chế bởi quyền của chủ nhãn hiệu:

(i) Sử dụng chỉ dẫn địa lý: Chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền ngăn cấm việc sử dụng chỉ dẫn địa lý nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa (Điều 18.20), tuy nhiên, việc sử dụng chỉ dẫn địa lý vẫn được phép theo trường hợp ngoại lệ (chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa mô tả xuất xứ của hàng hóa) (Điều 18.21);

(ii) Bảo hộ chỉ dẫn địa lý: Chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ nếu có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu về nguồn gốc thương mại của hàng hóa (quyền được xác lập theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên) (Điều 18.32.1 (a) và (b)); Tuy nhiên, có thể tồn tại chế độ bảo hộ dẫn địa lý theo đó việc sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ thuộc trường hợp ngoại lệ đối với quyền của nhãn hiệu (Điều 18.21).3.5 Bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo điều ước quốc tế

(i) Nguyên tắc ký kết điều ước: Phải áp dụng nguyên tắc hạn chế bảo hộ chỉ dẫn địa lý xung đột với nhãn hiệu có trước; tên gọi chung như đối với bảo hộ theo hệ thống quốc gia; Phải có thủ tục công bố thông tin về trình tự và đối tượng được xem xét trong một thời gian hợp lý để cho phép người có lợi ích liên quan phản đối dự định bảo hộ trước khi ký kết điều ước; Không bắt buộc phải có thủ tục hủy bỏ hiệu lực đăng ký, nhưng không được loại trừ hoàn toàn khả năng chấm dứt hiệu lực đăng ký (Điều 18.36.1 và 18.36.3);

(ii) Bổ sung chỉ dẫn địa lý theo điều ước đã ký: Giảm nhẹ nghĩa vụ công bố đối với việc bổ sung chỉ dẫn địa lý theo điều ước có trước TPP (Điều 18.36.2) và không áp dụng nghĩa vụ công bố này đối với các điều ước có trước TPP (tính theo thời điểm kết thúc đàm phán/phê chuẩn/bắt đầu hiệu lực) (Điều 18.36.6).

4.Tiêu chuẩn bảo hộ Sáng chế, Dữ liệu bí mật

4.1 Sáng chế

(i) Đối tượng bảo hộ: Đối với một sản phẩm đã biết, không bắt buộc phải bảo hộ công dụng mới (sáng chế dạng sử dụng) nếu đã lựa chọn bảo hộ một trong hai đối tượng khác, là phương pháp sử dụng mới hoặc quy trình sử dụng mới (Điều 18.37.2);

(ii) Ân hạn tính mới: Ân hạn nộp đơn đối với sáng chế đã được công bố là 12 tháng tính từ ngày công bố sáng chế tại bất kỳ nguồn thông tin nào, do chính tác giả thực hiện, người khác thực hiện có phép hoặc trái phép (Điều 18.38);

(iii) Minh bạch thông tin sáng chế: Công khai cho công chúng tiếp cận thông tin về đơn và bằng độc quyền sáng chế, ít nhất là thông tin về kết quả tra cứu và thẩm định đơn; tài liệu của người nộp đơn và trích dẫn tài liệu do người nộp đơn và các bên liên quan nộp. (Điều 18.45);

(iv) Đền bù thời hạn bảo hộ nếu chậm trễ trong thủ tục cấp Bằng độc quyền quá 5 năm kể từ ngày nộp đơn hoặc 3 năm kể từ ngày yêu cầu thẩm định nội dung, tính theo thời điểm muộn hơn (chỉ tính thời gian dành cho cơ quan sáng chế để thẩm định đơn và cấp bằng). (Điều 18.46)

4.2 Dữ liệu thử nghiệm Dược phẩm

4.2.1 Bảo hộ độc quyền dữ liệu bí mật phải nộp để đăng ký thuốc

(i) Đối tượng bảo hộ: Dữ liệu thử nghiệm bí mật và dữ liệu bí mật khác về tính an toàn hoặc tính hiệu quả của dược phẩm mới phải nộp trong thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm, gồm cả hóa phẩm và sinh phẩm y tế;

(ii) Nội dung độc quyền: Nhà nước không được cho phép người khác lưu hành thuốc trùng hoặc tương tự với dược phẩm của người nộp dữ liệu, nếu không được phép của người nộp dữ liệu, trên cơ sở dựa vào: (i) dữ liệu đó hoặc chính việc cấp phép lưu hành cho người nộp dữ liệu đó (Điều 18.50.1(a)); hoặc (ii) thông tin về việc cấp phép lưu hành dược phẩm đó ở nước khác nếu việc cấp phép ở nước khác dựa vào dữ liệu của người được cấp phép (Điều 18.50.1(b));

(iii) Thời hạn độc quyền (tính từ ngày cấp phép lưu hành)

-Đối với hóa phẩm - Lựa chọn một trong hai cơ chế: 5 năm cho thuốc có thành phần mới (Điều 18.50.1 và 18.50.2(b)); hoặc 5 năm cho thuốc mới hoàn toàn (không có thành phần hóa học cũ) và thêm 3 năm cho dữ liệu bổ sung đối với thuốc cũ không có thành phần hóa học mới (chỉ định mới, đường dùng mới, liều dùng mới)… (Điều 18.50.1 và 18.50.2(a));

-Đối với sinh phẩm - Lựa chọn một trong hai cơ chế:8 năm độc quyền (như hóa phẩm) (Điều 18.52.1(a)); hoặc 5 năm độc quyền (như hóa phẩm) + các biện pháp bảo hộ khác + thừa nhận bối cảnh thị trường góp phần bảo hộ thị trường] “để tạo ra kết quả có thể so sánh/tương đương” (Điều 18.52.1(b)).

4.2.2 Liên kết thủ tục đăng ký dược phẩm với thủ tục thực thi sáng chế

Phải có một trong hai cơ chế tạo điều kiện thực thi sáng chế trong thủ tục đăng ký thuốc:

(i) Nếu Nhà nước dựa vào dữ liệu gốc đã nộp hoặc dựa vào việc cấp phép trong nước hoặc ngoài nước trên cơ sở dữ liệu gốc đã nộp để cấp phép lưu hành dược phẩm, mà dược phẩm đó là đối tượng của Bằng độc quyền sáng chế thì phải bảo đảm thông tin và thời gian cho chủ sáng chế thực thi quyền:

Trước khi việc lưu hành dược phẩm diễn ra, cho chủ Bằng độc được thông tin về việc có người khác theo đuổi việc lưu hành thuốc và thời gian thỏa đáng để thực thi quyền đối với sáng chế (Điều 18.51.1(a) và (b)); Giải quyết tranh chấp kịp thời: Phải có thủ tục (tư pháp hoặc hành chính) và biện pháp khẩn cấp để xử lý kịp thời tranh chấp về xâm phạm sáng chế hoặc về hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế. (Điều 18.51.1 (c)); hoặc

(ii)Không cấp phép lưu hành dược phẩm là đối tượng của Bằng sáng chế: Phải có thủ tục ngoài tố tụng tư pháp để, căn cứ vào thông tin do chủ Bằng độc quyền sáng chế hoặc người đăng ký thuốc hoặc dựa trên việc hợp tác giữa cơ quan đăng ký thuốc và cơ quan sáng chế, không cấp phép lưu hành dược phẩm, nếu không được sự đồng ý của chủ sáng chế (Điều 18.51.2).

4.2.3 Đền bù thời hạn Bằng độc quyền sáng chế nếu chậm trễ bất hợp lý trong thủ tục cấp đăng ký thuốc (Điều 18.54).

4.3 Dữ liệu thử nghiệm Nông hóa phẩm

(i) Đối tượng bảo hộ: Dữ liệu thử nghiệm bí mật và dữ liệu bí mật khác về tính an toàn hoặc tính hiệu quả của nông hóa phẩm mới (chứa thành phần hóa học mới (Điều 18.47.3)), phải nộp trong thủ tục đăng ký lưu hành nông hóa phẩm;

(ii) Nội dung độc quyền: Nhà nước không được cho phép người khác lưu hành thuốc trùng hoặc tương tự với nông hóa phẩm của người nộp dữ liệu, nếu không được phép của người nộp dữ liệu, trên cơ sở dựa vào: (i) dữ liệu đó hoặc chính việc cấp phép lưu hành cho người nộp dữ liệu đó (Điều 18.47.1); hoặc (ii) thông tin về việc cấp phép lưu hành nông hóa phẩm đó ở nước khác nếu việc cấp phép ở nước khác dựa vào dữ liệu của người được cấp phép (Điều 18.47.2).

(iii) Thời hạn độc quyền: 10 năm tính từ ngày cấp phép lưu hành.

5.Tiêu chuẩn bảo hộ Kiểu dáng công nghiệp

(Phần G, Điều 18.55 và 18.56)

(i) Đối tượng bảo hộ: Phải bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của một trong hai đối tượng:

-Kiểu dáng công nghiệp của một bộ phận của sản phẩm (kiểu dáng riêng phần); hoặc -Kiểu dáng có điểm nhấn là một bộ phận trong tổng thể sản phẩm (các đặc điểm tạo dáng cơ bản nằm ở một bộ phận trên sản phẩm). (Điều 18.55)

(ii) Đăng ký quốc tế: Phải cân nhắc một cách hợp lý việc tham gia Thỏa ước La Hay để tạo điều kiện cho việc nộp đơn quốc tế. (Điều 18.55)

6.Tiêu chuẩn bảo hộ Quyền tác giả và quyền liên quan

(Phần H, từ Điều 18.57 đến Điều 18.70)

(i) Nội dung quyền: Cấm các hành vi là tiền đề cho việc xâm phạm quyền, đặc biệt là trong môi trường số (xâm phạm công nghệ bảo vệ quyền (Điều 18.68) và xâm phạm thông tin quản lý quyền (Điều 18.69)); Cụ thể hóa nội dung quyền sao chép, truyền đạt, phân phối (các Điều 18.58, 18.59 và 18.60) và quyền liên quan ((Điều 18.62);

(ii) Cân bằng lợi ích: Nỗ lực để đạt được sự cân bằng lợi ích giữa người nắm quyền và người sử dụng (xã hội) bằng các biện pháp giới hạn và ngoại lệ quyền (các Điều 18.65 và 18.66)

(iii)Thời hạn bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan

-Cả cuộc đời tác giả +70 năm; hoặc

-70 năm sau ngày công bố (nếu công bố trong vòng 25 năm) hoặc 70 năm từ ngày tạo ra tác phẩm/ bản ghi âm/cuộc biểu diễn (nếu không công bố trong vòng 25 năm) (Điều 18.63)

(iv) Đối tượng bảo hộ: bảo hộ tín hiệu cáp và tín hiệu vệ tinh (Phần thực thi);

(v) Tham gia các Hiệp ước về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trong môi trường Internet của WIPO (WCT và WPPT).

7.Thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Hiệp định TPP tăng cường ở mức độ rất cao chế độ thực thi quyền SHTT, đặc biệt là chống hàng giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền tác giả.

7.1 Nguyên tắc chung về thực thi

Giả định về hiệu lực quyền sở hữu trí tuệ: Chứng cứ ban đầu về quyền (chủ thể, đối tượng và thời hạn của quyền), tức là chứng cứ để giả định về sự tồn tại quyền cho đến khi có chứng cứ ngược lại (Điều 18.72):-Quyền tác giả và quyền liên quan (phát sinh không cần đăng ký): Những thông tin về quyền được thể hiện theo cách thức thông thường; -Đối với nhãn hiệu và sáng chế: Văn bằng bảo hộ cấp trên cơ sở thẩm định nội dung. 

7.2 Thực thi bằng thủ tục và chế tài dân sự và hành chính

7.2.1 Thủ tục và chế tài dân sự (Điều 18.74)

(i) Thủ tục dân sự: Yêu cầu chi tiết đối với trình tự tố tụng dân sự

(ii) Bồi thường thiệt hại: Xác định thiệt hại phải xem xét giá hàng thật, cách tính của chủ SHTT (Điều 18.74.4); Đối với xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và giả mạo nhãn hiệu, phải có quy định về bồi thường theo mức luật định hoặc bồi thường bổ sung (Điều 18.74.6 và 18.74.7) và mức bồi thường luật định phải có tính răn đe (Điều 18.74.8);

(iii) Xử lý hàng hóa xâm phạm: Cơ quan thực thi phải có thẩm quyền buộc tiêu hủy hàng giả mạo nhãn hiệu hoặc sao lậu bản quyền, trừ trường hợp ngoại lệ; tiêu hủy hoặc xử lý ngoài kênh thương mại nguyên liệu phương tiện được sử dụng để sản xuất hàng hóa đó (Điều 18.74.12);

iv) Thực thi hành chính: Không bắt buộc, nhưng nếu có thủ tục hành chính trong đó ban hành chế tài dân sự thì thủ tục hành chính phải tuân thủ các nguyên tắc tương đương với nguyên tắc của thủ tục dân sự (Điều 18.74.16);

(v) Thực thi trong môi trường số: Phải xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu, quyền tác giả và quyền liên quan trên mạng Internet y như các hành vi xâm phạm thông thường (Điều 18.71.2); Phải quy định  Trách nhiệm Nhà cung cấp dịch vụ Internet (Phần J, Điều 18.81 và 18.82): Phải quy định các điều kiện và nghĩa vụ để nhà cung cấp dịch vụ Internet được miễn trách nhiệm pháp lý (không bị coi là đồng phạm, liên đới với hành vi xâm phạm quyền của người sử dụng dịch vụ) và chế tài đối với vi phạm.

7.2.2 Kiểm soát biên giới (Điều 18.76)

(i) Kiểm soát theo yêu cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu, quyền tác giả và quyền liên quan (Điều 18.76.1)

(ii) Chủ động kiểm soát (không cần yêu cầu của chủ SHTT) hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu và quá cảnh đối với hàng giả mạo nhãn hiệu và hàng sao lậu quyền tác giả và quyền liên quan. (Điều 18.76.5)

7.3 Thực thi bằng thủ tục và chế tài hình sự

7.3.1 Tổng quan

Yêu cầu xử lý hình sự vượt xa các điều ước quốc tế hiện hành về sở hữu trí tuệ, và so với pháp luật hiện hành của ta về hình sự (theo chuẩn mực của Hiệp định TRIPS trong WTO mà VN gia nhập năm 2007 và Hiệp định Thương mại song phương VN-US năm 2000). Yêu cầu này không tính đến đặc thù của Việt Nam về hệ thống thực thi hai cấp bậc, hành chính và hình sự, với biện pháp và thủ tục xử phạt hành chính tương đương với hình sự (trừ phạt tù) và nhanh chóng, hiệu quả, có tác dụng răn đe.

Do đó, nhiều hành vi xâm phạm quyền chưa đến mức gây nguy hại lớn đối với xã hội mà hiện nay có thể xử phạt hành chính sẽ phải chuyển sang xử phạt hình sự.

7.3.2 Hành vi tội phạm

Hiệp định TPP yêu cầu hình sự hóa hàng loạt hành vi liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu và bí mật thương mại, trong đó nhiều hành vi về bản chất không phải là xâm phạm quyền - mới chỉ là tiền đề xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan, hoặc hành vi không nhằm khai thác thị trường nơi quyền được bảo hộ (xuất khẩu):

(i) Xâm phạm bí mật thương mại: Xử lý ít nhất một trong ba hành vi (i) cố ý tiếp cận trái phép bí mật thương mại trên hệ thống máy tính; (ii) cố ý chiếm đoạt trái phép bí mật thương mại; (iii) cố ý bộc lộ trái phép bí mật thương mại (Điều 18.78.2), nếu hành vi thuộc ít nhất một trong năm trường hợp  (i) nhằm lợi thế thương mại hoặc lợi ích tài chính; (ii) liên quan đến sản phẩm dịch vụ thương mại quốc gia hoặc quốc tế (quy mô); (iii) cố ý nhằm gây thiệt hại cho chủ sở hữu; (iv) liên quan đến chủ thể kinh tế của nước ngoài; (v) gây tổn hại đến lợi ích kinh tế, quan hệ quốc tế hoặc quốc phòng hoặc an ninh quốc gia của Nhà nước (Điều 18.78.3)

(ii)Xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan không ở quy mô thương mại: Quay phim trong rạp nếu gây thiệt hại đáng kể cho chủ sở hữu (Điều 18.77.4);

(iii)Hành vi mới chỉ là tiền đề xâm phạm quyền:

- Đối với quyền tác giả và quyền liên quan

Phá công nghệ bảo vệ quyền, kinh doanh sản phẩm dịch vụ phá công nghệ bảo vệ quyền  (Điều 18.68.1)

Xóa/thay đổi thông tin điện tử quản lý quyền; phân phối, nhập khẩu thông tin đã bị thay đổi; hoặc bán sao mà thông tin đã bị xóa/ thay đổi  (Điều 18.69.1);

Thu và sử dụng, phân phối tín hiệu vệ tinh mang chương trình và sản xuất kinh doanh... thiết bị giải mã tín hiệu.

Đối với nhãn hiệu: nhập khẩu và sử dụng trong thị trường nội địa nhãn sản phẩm hoặc bao gói sản phẩm mang nhãn hiệu giả mạo (Điều 18.77.3);

(iv) Hành vi không khai thác thị trường nơi bảo hộ: Xử lý hành xuất khẩu thông qua tội phạm phân phối hàng giả mạo nhãn hiệu và hàng sao lậu quyền tác giả và quyền liên quan (Điều 18.77.2)

7.3.2 Yếu tố cấu thành tội phạm

Hiệp định TPP yêu cầu hạ thấp yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội danh xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan, cụ thể là yếu tố nhằm đạt lợi thế thương mại hoặc thu lợi tài chính; hoặc xâm phạm đáng kể, dù ko nhằm đạt lợi thế thương mại hoặc thu lợi tài chính, nhưng gây hại lớn tới quyền lợi của chủ sở hữu bản quyền trên thị trường đều được coi là yếu tố cấu thành tội phạm. (Điều 18.77.1)

7.3.3 Các nguyên tắc hình sự và tố tụng hình sự

(i) Xử lý mặc nhiên: Truy cứu trách nhiệm hình sự không cần yêu cầu của người bị hại (Điều 18.77.6(g));

(ii) Xử lý tang vật: Chi tiết hóa quy định về xử lý hàng hóa xâm phạm, nguyên liệu, phương tiện đã dùng chủ yếu để sản xuất hàng hóa xâm phạm, tài sản có được do xâm phạm, bao gồm các biện pháp tịch thu, tiêu hủy (Điều 18.77.6(c), (d) và (e));

(iii) Cung cấp thông tin vật chứng: Cơ quan có thẩm quyền phải có quyền cung cấp hoặc cho phép tiếp cận hàng hóa xâm phạm, nguyên liệu, phương tiện đã dùng chủ yếu để sản xuất hàng hóa xâm phạm và các chứng cứ khác  để chủ sở hữu có thể kiện dân sự. (Điều 18.77.6(f)).

8. Thời gian chuyển tiếp (Phần K, Điều 18.83.4)

8.1 Thời gian chuyển tiếp dành cho các nước

Trong số các thành viên TPP, Hoa Kỳ, Úc, Singapore, Nhật bản, Canada, là những nước có thể thi hành Hiệp định ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực, bởi vì đó là những nước phát triển cao và TPP không có hoặc rất ít có tác động đến hệ thống pháp luật của những nước này (TPP được xây dựng theo chuẩn mực bảo hộ của trong các FTA mà Hoa Kỳ đã ký kết với Úc và Singapore).

8.2 Thời gian chuyển tiếp dành cho VN

Có thể nói, VN là nước chịu nhiều tác động nhất của TPP. Yêu cầu về SHTT của TPP tác động toàn diện lên hệ thống pháp luật và có những chuẩn mực quá cao về bảo hộ quyền SHTT của chủ sở hữu thực sự chưa phù hợp với trình độ phát triển về kinh tế, xã hội của VN hiện nay, đặc biệt là việc bảo hộ độc quyền đối với dữ liệu thử nghiệm dược phẩm và nông hóa phẩm, việc kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

Vì vậy, để thực hiện một số nghĩa vụ lớn, VN được dành thời gian chuyển tiếp nhất định để một mặt thực hiện việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết nêu trên, mặt khác để đời sống xã hội tăng thêm một mức nữa và nhờ đó tăng thêm sức chịu đựng trước tác động giá cả của cơ chế độc quyền SHTT. Cụ thể thời gian chuyển tiếp tính từ ngày hiệp định TPP bắt đầu có hiệu lực (Điều 18.83.4 (f)) như sau:

- 3 năm đối với đa số các nghĩa vụ gây tác động pháp luật (cần sửa đổi pháp luật)

- 5 năm đối với một số nghĩa vụ có tác động xã hội: thời hạn bảo hộ quyền tác giả; bảo hộ độc quyền dữ liệu nông hóa phẩm, đền bù thời hạn độc quyền sáng chế do chậm trễ cấp bằng đối với dược phẩm và nông hóa phẩm;

- 12 năm (và có thể đề nghị gia hạn 01 lần, thêm tới 3 năm nữa) đối với nghĩa vụ có tác động lớn nhất đối với xã hội: bảo hộ độc quyền dữ liệu dược phẩm (hóa phẩm và sinh phẩm).

9.Cơ hội và thách thức đối với VN

9.1 Đối với doanh nghiệp

9.1.1 Cơ hội dành cho doanh nghiệp

Chế độ bảo hộ SHTT ở mỗi nước TPP đều áp dụng không phân biệt giữa tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Vì vậy, ở thị trường cả trong nước và ở các nước thành viên TPP, các doanh nghiệp VN được hưởng sự bảo hộ cao đối với thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, từ sáng tạo đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì đến nhãn hiệu sản phẩm và dịch vụ: Quyền được bảo hộ rộng hơn, dễ dàng hơn; Thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp minh bạch, công bằng và hợp lý hơn; Việc chống xâm phạm quyền nghiêm minh hơn…

Hơn nữa, với cơ chế bảo hộ cao về SHTT sẽ là môi trường tốt có khả năng thu hút chuyển giao công nghệ của nước ngoài để nâng cao chất lượng sản phẩm cho ta trong giai đoạn này, tạo điều kiện từng bước nâng cao năng lực công nghệ nội sinh.

9.1.2 Thách thức đối với doanh nghiệp

Chế độ bảo hộ SHTT cao đồng nghĩa với việc thu hẹp khả năng tiếp cận sản phẩm trí tuệ được bảo hộ đối với xã hội, trong đó có doanh nghiệp: Thời gian bảo hộ càng dài thì thời điểm xã hội được tự do sử dụng sản phẩm càng muộn. Trong thời hạn bảo hộ, giá sản phẩm đương nhiên đắt.

Đối với doanh nghiệp, giá công nghệ, kể cả phần mềm máy tính, bí quyết kỹ thuật là vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Tiếp đến các đối tượng SHTT khác như kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu mà doanh nghiệp VN vẫn phải mua của nước ngoài khi công nghệ của ta chưa đủ để đạt mức cạnh tranh.Hơn nữa, chế độ thực thi hà khắc khiến doanh nghiệp của ta cũng phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng kể cả trong trường hợp kinh doanh xâm phạm ngay tình.

9.2 Đối với Nhà nước và xã hội

9.2.1 Cơ hội dành cho Nhà nước và xã hội

Nhà nước có thể tiếp tục theo đuổi chính sách bảo hộ SHTT phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, đó là dùng cơ chế bảo hộ quyền SHTT làm công cụ để khuyến khích sáng tạo, đổi mới, chống cạnh tranh không lành mạnh để đưa các sản phẩm sáng tạo, đặc biệt là công nghệ mới để phát triển kinh tế, phục vụ đời sống xã hội.

Trong đó, Nhà nước chú trọng việc cân bằng lợi ích của chủ SHTT và lợi ích xã hội để một mặt bảo vệ thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo của tổ chức, cá nhân, mặt khác coi trọng lợi ích của toàn dân.

Nhà nước đã nỗ lực không ngừng để xây dựng một hệ thống pháp luật về SHTT cũng như bộ máy các cơ quan thực thi pháp luật để bảo hộ và bảo vệ quyền SHTT.Đến nay, có thể nói rằng hệ thống SHTT của VN không những đạt chuẩn mực của WTO, mà còn có thể sánh với các nước tiên tiến trong khu vực.

Với việc tham gia TPP cũng như các FTA khác, Nhà nước tiếp tục hướng tới các chuẩn mực tiên tiến về bảo hộ của khu vực và thế giới, nhằm mục tiêu tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút sự đầu tư ổn định lâu dài của các doanh nghiệp trong khu vực TPP nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài nói chung.

9.2.2 Thách thức đối với Nhà nước và xã hội

Cam kết về SHTT trong TPP là gánh nặng lớn vượt bậc đối với Nhà nước VN, đòi hỏi sự đầu tư lớn về mọi mặt:

(i) Cải cách hệ thống pháp luật: Không có một thành viên đàm phán nào phải sửa đổi pháp luật nhiều như VN. Riêng các cam kết về SHTT đã dẫn đến việc sửa đổi: Luật SHTT, Bộ luật dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Hải quan, Luật Dược, Luật Công nghệ thông tin và hàng loạt văn bản dưới luật. Không chỉ đơn thuần là phải sửa đổi các quy định pháp luật cụ thể, mà còn phải thay đổi cơ cấu hệ thống pháp luật, cụ thể là chuyển dịch cơ chế phạt hành chính sang phạt hình sự đối với hàng loạt hành vi xâm phạm quyền SHTT.

(ii) Tăng cường năng lực của các cơ quan nhà nước: Các nghĩa vụ của TPP đòi hỏi các cơ quan cơ quan quản lý nhà nước về SHTT (Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả) các và các cơ quan thực thi, đặc biệt là hải quan và tòa án phải được trang bị năng lực cần thiết, từ hạ tầng kỹ thuật, đến thượng tầng thông tin và đội ngũ cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ.

(iii) Thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội chống tác động tiêu cực của chế độ bảo hộ SHTT mới: Chính sách y tế để bảo đảm khả năng tiếp cận thuốc với giá cả hợp lý cho toàn dân; Chính sách nông thôn để bảo đảm khả năng tiếp cận nguồn vật tư nông nghiệp với giá cả hợp lý cho bà con nông dân, đặc biệt là những người làm kinh tế gia đình tự sản, tự tiêu; Chính sách văn hóa giáo dục để bảo đảm khả năng tiếp cận các sản phẩm sáng tạo mới về văn hóa-giáo dục.Thúc đẩy, hỗ trợ việc sớm tiến hành thủ tục xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý trong nước và ở các thị trường tiềm năng để tránh bị người khác đăng ký nhãn hiệu…;

iv) Nâng cao nhận thức xã hội nói chung và nhận thức của doanh nghiệp nói riêng để tạo ra văn hóa tôn trọng quyền SHTT, kinh doanh lành mạnh của các doanh nghiệp và của xã hội.

10. Lời kết

Là nước phát triển ở mức thấp nhất trong khối TPP cũng như trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, việc cam kết tuân thủ các nguyên tắc bảo hộ SHTT của khu vực là một quyết tâm và nỗ lực hết sức lớn lao của Nhà nước VN.

Có thể nói với cơ chế bảo hộ quyền SHTT cao, xã hội Việt Nam khi còn ở trong giai đoạn phát triển ở trình độ thấp thì chưa được hưởng nhiều lợi ích về bảo hộ sở hữu trí tuệ, mà phải chịu những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, đó là luật chơi, là sự trả giá để tạo khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp VN có cơ hội xâm nhập được thị trường khu vực TPP.

Nguồn : baodatviet.vn

Từ khóa : Pháp luật, của Việt Nam, và tác động, của hiệp định TPP.

Chuyên mục RCEP

Menu

Phân tích - Bình luận

Menu

Thư viện hội nhập

thu vien


phong ve thuong mai

Video

Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field

Liên kết

 

Lượt truy cập

007405128
Go to top