Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu
Phân tích - Bình luậnHội nhập kinh tế quốc tếKhung pháp lý về kinh tế xanh: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam

Khung pháp lý về kinh tế xanh: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam

 31 tin 1 25.04.2024Trong những năm qua, tại Việt Nam, hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ngày càng được quan tâm, xây dựng, hoàn thiện, nhiều chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế xanh đã được ban hành.

1. Khái niệm kinh tế xanh

Khái niệm “Kinh tế xanh” (tiếng Anh: Green Economy) lần đầu tiên được đề cập trong một báo cáo phát triển bền vững do chính phủ Anh ủy quyền vào năm 1989. Tuy nhiên, chỉ trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cuối những năm 2000, kinh tế xanh mới được các nước trên thế giới chú ý đến như một chiến lược phục hồi kinh tế. Kể từ đó, khái niệm này đã được mở rộng, với nhiều định nghĩa xuất phát từ góc độ tiếp cận khác nhau và không có một định nghĩa chung thống nhất áp dụng (1).

Năm 2011, Báo cáo “Hướng tới nền kinh tế xanh: Con đường phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo” của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đưa ra định nghĩa về kinh tế xanh: “Là nền kinh tế xanh giúp cải thiện đời sống và công bằng xã hội, trong khi giảm đáng kể các rủi ro môi trường và khan hiếm nguồn lực sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội” (2)...

Từ những định nghĩa này của UNEP có thể thấy, đây là định nghĩa đầy đủ, chính xác nhất về kinh tế xanh. Với ý nghĩa cốt lõi là tăng trưởng kinh tế đảm bảo đồng thời mục tiêu bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững, khái niệm này đối lập với “kinh tế nâu (Brown Economy)” (3). Như vậy, hiểu một cách đơn giản, nội hàm của kinh tế xanh bao gồm: (i) Phát thải carbon thấp; (ii) sử dụng hiệu quả tài nguyên và (iii) bảo đảm công bằng xã hội. 

2. Bối cảnh tình hình và quy định hiện hành của Việt Nam về kinh tế xanh

Những năm gần đây, Việt Nam đang phải đối mặt với thực trạng biến đổi khí hậu đáng lo ngại và các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt hơn (như nhiệt độ trung bình ngày càng tăng, có một số khu vực có kỷ lục tăng nhiệt độ cả mùa hè lẫn mùa đông, tần suất về thiên tai như bão, lũ lụt và hạn hán xảy ra càng nhiều)... Là quốc gia ven biển với chiều dài bờ biển trên 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam, từ Móng Cái ở phía Bắc đến Hà Tiên ở phía Tây Nam (chưa kể bờ biển của các hải đảo, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới), Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ khiến thu nhập quốc gia của Việt Nam giảm 3,5% GDP vào năm 2050. Cùng với đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại đang ngày càng gia tăng áp lực đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Chính vì vậy, việc phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu trên, đồng thời vẫn bảo đảm phát triển môi trường bền vững, tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong những năm qua, tại Việt Nam, hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ngày càng được quan tâm, xây dựng, hoàn thiện, nhiều chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế xanh đã được ban hành. Cụ thể:

Thứ nhất, các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường:

- Quy định về bảo vệ môi trường trong Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường” (Điều 43); “Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu” (Điều 63).

- Quốc hội đã ban hành một số điều trong các luật có liên quan đến bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, như: Luật Hóa chất năm 2007; Luật Thuế tài nguyên năm 2009 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 và Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 ngày 14/11/2022 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023); Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả năm 2010; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; Luật Lâm nghiệp năm 2017; Luật Đa dạng sinh học năm 2018; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Luật Dầu khí năm 2022; Luật Tài nguyên nước năm 2023; Luật Đất đai năm 2024…

- Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg về định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam) nhằm phát triển bền vững đất nước trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam chỉ rõ những hoạt động cần ưu tiên trong lĩnh vực kinh tế là thực hiện “công nghiệp hóa sạch”, xây dựng nền “công nghiệp xanh”.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu Chính phủ quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực cụ thể, trong thời gian qua, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương đã tham mưu Chính phủ/ hoặc trực tiếp ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trực tiếp liên quan đến phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường.

Thứ hai, các chương trình, kế hoạch, hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường, như:

Các Chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo thực hiện chủ trương về phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, như:

- Chính phủ ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 phê duyệt chủ trương đầu tư 21 Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, gồm các Chương trình: phát triển ngành thủy sản bền vững; phát triển lâm sản bền vững; tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; mục tiêu y tế - dân số; mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích; mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh;...

- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành: Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” (4); Quyết định số 2612/QĐ-TTg ngày 30/12/2013 phê duyệt Chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (5); Quyết định 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 11/01/2016 phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia về sản xuất, tiêu dùng bền vững đến năm 2020” (SCP), với các nội dung triển khai nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp áp dụng các mô hình quản lý, kinh doanh, sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 phê duyệt “Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030”;...

Đặc biệt, ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Chiến lược đặt ra 04 nhóm mục tiêu cụ thể, gồm: (i) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; (ii) Xanh hóa các ngành kinh tế (6); (iii) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững (7); (iv) Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu (8)...

3. Kinh nghiệm quốc tế trong ban hành khung pháp lý về kinh tế xanh

3.1. Hoa Kỳ

Kinh tế Hoa Kỳ (Mỹ) là một nền kinh tế phát triển và lớn nhất trên thế giới, có mức độ công nghiệp hóa và trình độ phát triển rất cao. Kể từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 kéo lùi sự phát triển của đầu tàu kinh tế thế giới là Hoa Kỳ, Chính phủ của Tổng thống Obama đã đặt mục tiêu thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế xanh, nghĩa là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường là một mục tiêu quan trọng khác trong chính sách năng lượng bên cạnh mục tiêu cốt lõi hướng tới độc lập về năng lượng. Và để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố kế hoạch phát triển các nguồn năng lượng mặt trời, sức gió, năng lượng tái chế và các nguồn năng lượng sạch khác. Kế hoạch bao gồm các điều luật và quy định điều chỉnh vấn đề gây ô nhiễm của các nhà máy điện ở Mỹ.

Nhằm mục đích giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dầu mỏ từ bên ngoài và đề ra kế hoạch xây dựng nguồn năng lượng xanh và sạch vì một nền kinh tế xanh, “Đạo luật an ninh và năng lượng sạch” đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào tháng 6/2009. Dự luật này nhấn mạnh vào vấn đề trọng tâm là hạn chế lượng khí thải carbon, quản lý mức khí thải carbon của các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như nhà máy điện, nhà máy lọc dầu, công ty hóa chất,... 

Trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình, tổng thống Obama đã ban hành Kế hoạch hành động khí hậu (The Climate Action Plan-CAP). Kế hoạch đã đưa ra các bước thực hiện nhằm làm giảm đáng kể và ngay lập tức khí phát thải nhà kính, bao gồm các quy định trực tiếp về khí thải.

Để giảm khí thải nhà kính khoảng 17% vào năm 2020 so với năm 2005, Chính phủ Mỹ cũng triển khai đạo luật chống biến đổi khí hậu và áp dụng hạn ngạch khí thải và cho phép các doanh nghiệp xả khí thải thấp hơn hạn ngạch có thể bán phần hạn mức khí thải không dùng hết cho các công ty khác.

Gần đây nhất, ngày 16/8/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật chi tiêu ngân sách dành cho chống biến đổi khí hậu và y tế lớn với tên gọi là Đạo luật giảm lạm phát. Đạo luật được coi là bước đột phát về chính sách của Mỹ, đặc biệt liên quan đến cam kết chống biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ đã thông qua một loạt tiêu chuẩn mới về khí thải như yêu cầu các công ty sản xuất ô tô chuyển sang các mẫu xe kết hợp sử dụng cả điện và xăng dầu, cùng với việc cải tiến các động cơ để tiết kiệm nhiên liệu. Mỹ sử dụng Bộ chỉ số về phát triển kinh tế xanh để đánh giá và kiểm soát nền kinh tế xanh, các chỉ số như:

(i) Điểm hành động và chính sách kinh tế xanh: Các tiêu chí đánh giá cho điểm hành động và chính sách kinh tế xanh như: Tiểu bang có tiêu chuẩn năng lượng tái tạo hoặc năng lượng sạch hay không; liệu Tiểu bang có mục tiêu phát thải khí nhà kính hay không; liệu tiểu bang có thông qua luật khí hậu quan trọng trong 4 năm qua hay không...; (ii) Thu hồi, sử dụng và lưu trữ các bon; (iii) Phương tiện chạy điện, tiêu chí đánh giá tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả; (iv) Tiết kiệm năng lượng, các công nghệ tiết kiệm năng lượng như đèn LED, hệ thống sưởi và làm mát tái tạo; (v) Lưu trữ năng lượng, các công nghệ lưu trữ năng lượng. Các tiêu chí đánh giá về tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực lưu trữ năng lượng; (vi) Hiện đại hóa lưới điện; (vii) Chỉ số Hydro, xem xét các cơ hội về hydro xanh và các dự án có tiềm năng chuyển đổi sang hydro xanh; (viii) Chuyển đổi chất thải thành năng lượng: Các tiêu chí đánh giá chuyển đổi chất thải thành năng lượng kết hợp hiệu suất của tiểu bang trong các lĩnh vực khí sinh học, giao thông vận tải và sinh khối (9).

3.2. Trung Quốc

Năm 2021, Trung Quốc thải 14,3 tỷ tấn CO2 tương đương (CO2e – đơn vị đo tất cả các khí nhà kính), khiến nước này trở thành nước phát thải lớn nhất thế giới hiện nay (10). Tại Trung Quốc, việc tuân thủ tiêu thụ các-bon thấp được mô tả thông qua nguyên tắc 6R “Reduce-Reevaluate-Reuse-Recycle-Rescue-Recalculate”. Để tuân thủ các nguyên tắc này, Trung Quốc đã ban hành các đạo luật như Luật Tiêu thụ bền vững, Luật Mua sắm xanh...

Đáng chú ý, Trung Quốc đã xây dựng hệ thống thuế xanh, tăng chi tiêu ngân sách cho sự phát triển nền kinh tế các-bon thấp như: tăng phí ô nhiễm, tăng phạm vi thu, từng bước thay thế phí ô nhiễm bằng các loại thuế ô nhiễm, bảo đảm nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã tạo nguồn vốn cho đầu tư xanh thông qua biện pháp ưu tiên phát triển hệ thống tài chính xanh, đặc biệt chú ý đến các chính sách tín dụng xanh, đồng thời cùng với phát triển trái phiếu xanh.

Thông qua việc cho phép thành lập các khu phát triển công nghệ cao, Trung Quốc đã ban hành hàng loạt quy định và luật lệ liên quan như quy định về phạm vi các lĩnh vực khoa học và công nghệ cao được phát triển, bao gồm: vi điện tử, thông tin điện tử, không gian và vũ trụ, năng lượng mới và năng lượng hiệu quả cao, sinh thái và bảo vệ môi trường… và các ngành công nghệ thay thế khác cho các ngành công nghiệp truyền thống đang được sử dụng hiện nay.

3.3. Hàn Quốc

Năm 2009, Hàn Quốc thành lập Ủy ban Tổng thống về tăng trưởng xanh, một cơ quan có vai trò quan trọng trong việc thiết lập chính sách kinh tế xanh tại Hàn Quốc. Kể từ đó cho đến này, cơ sở pháp lý cho phát triển kinh tế xanh tại Hàn Quốc ngày càng hoàn thiện. Nhiều đạo luật đã được ban hành, như: Đạo luật khung về carbon thấp, tăng trưởng xanh (2010); Sắc lệnh về hiệu lực của Đạo luật khung về carbon thấp, tăng trưởng xanh (2010); Đạo luật kinh doanh và buôn bán khí thải nhà kính (2012); Sắc lệnh về hiệu lực của Đạo luật kinh doanh và buôn bán khí thải nhà kính (2014); Đạo luật về xây dựng và tạo điều kiện thuận lợi trong sử dụng lưới thông minh (2013); Đạo luật về hỗ trợ xây dựng các tòa nhà xanh (2013); Đạo luật phát triển vận tải và logistics (2013)…

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng ban hành chỉ tiêu tăng trưởng xanh, gồm: (1) Hiệu quả quản lý môi trường và nguồn tài nguyên, bao gồm lượng phát thải CO2, hiệu quả sử dụng năng lượng và tiêu thụ nguyên liệu trong nước; (2) Các chỉ số về chất lượng môi trường của cuộc sống, bao gồm tỷ lệ dân số được xử lý nước thải và tiếp cận với nước uống an toàn, không gian xanh đô thị và mức độ ô nhiễm không khí mà người dân ở các khu đô thị phải gánh chịu; (3) Nhóm chỉ số về cơ hội kinh tế và tác động của chính sách, bao gồm chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển liên quan đến tăng trưởng xanh và tỷ trọng ODA xanh.

Năm 2009, Hàn Quốc đã đưa ra Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2009 - 2050, cùng với kế hoạch 5 năm (FYP) của các quốc gia trong giai đoạn 2009 - 2013. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đặt ra 3 mục tiêu chính, gồm: (1) Thúc đẩy cơ hội tăng trưởng mới thân thiện với môi trường; (2) Nâng cao chất lượng đời sống của con người; (3) Nỗ lực đóng góp cùng cộng đồng quốc tế đối phó với biến đổi khí hậu. Một trong những công cụ quan trọng để thực hiện Chiến lược là việc thành lập Đề án mua bán khí thải quốc gia (ETS), được bắt đầu từ tháng 01/2015.

3.4. Singapore

Singapore là quốc gia được xem như hình mẫu với những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế xanh ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực châu Á. Ngay từ rất sớm, Chính phủ Singapore đã ban hành chính sách phát triển kinh tế xanh. Mới đây, năm 2021, Chính phủ Singapore ban hành Kế hoạch Xanh hướng tới năm 2030.

Kế hoạch Xanh là một chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn quốc gia, với các kế hoạch hành động vững chắc, chạm đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm 05 trụ cột: (i) Thành phố trong tự nhiên; (ii) Tái tạo năng lượng; (iii) Kinh tế xanh; (iv) Tương lai kiên cường; (v) Cuộc sống bền vững.

Để khuyến khích các công ty trong tất cả lĩnh vực thực hiện giảm lượng khí thải, năm 2018, Singapore đã ban hành Đạo luật định giá carbon 2018 (11). Theo đó, Singapore là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á áp dụng thuế các – bon. Nguồn thuế thu được sẽ được Chính phủ đầu tư và sử dụng để hỗ trợ các dự án khả thi giúp doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính. Thuế được đánh trực tiếp vào các cơ sở trực tiếp thải ra ít nhất 25.000 tấn khí thải nhà kính hằng năm. Thuế suất được ấn định ở mức thấp và áp dụng trong phạm vi hẹp để thị trường có thời gian thích nghi. 

4. Đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xanh

Tại Hội nghị Khí hậu COP 26, Việt Nam cam kết đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng 0, nâng tỉ lệ năng lượng tái tạo trên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp và tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 43%. Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng nền kinh tế xanh. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần chuyển hóa những cam kết này thành hành động cụ thể, tập trung và quan trọng nhất là xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, minh bạch, rõ ràng, công khai, mang tính bao quát song cũng đủ cụ thể để bảo đảm thực hiện mục tiêu kinh tế xanh; tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng với các chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh.

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như nghiên cứu tình hình thực tiễn, việc hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xanh ở Việt Nam nên được xem xét ở một số nội dung cụ thể như sau: 

Thứ nhất, cần tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ các văn bản pháp luật hiện hành về các lĩnh vực tài chính ngân hàng, thuế và phí, môi trường, tài nguyên (nước, đất đai, biển…); việc sử dụng năng lượng, khoa học và công nghệ, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực… liên quan đến phát triển kinh tế xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, như trên đã đề cập, hiện nay, các quy định về phát triển kinh tế xanh của Việt Nam nằm rải rác tại nhiều văn bản, song chúng ta chưa có một văn bản quy phạm pháp luật chính thức nào quy định tổng thể, đồng bộ về chính sách phát triển “kinh tế xanh”. Do vậy đây là hướng nghiên cứu đặt ra cho các cơ quan có thẩm quyền để đề xuất, tham mưu ban hành văn bản quy định về vấn đề này. 

Thứ hai, nghiên cứu điều chỉnh các chính sách về môi trường để phù hợp với tình hình mới, nhất là hệ thống các quy định về thuế tài nguyên, thuế môi trường. Cần thiết lập chính sách hỗ trợ cho các ngành kinh tế xanh (như giảm thuế, ưu đãi vốn, thúc đẩy nghiên cứu và nâng cao trình độ công nghệ, tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi kinh nghiệm giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế…) (12).

Thứ ba, nghiên cứu xây dựng tiêu chí lựa chọn những dự án đầu tư thực sự hiệu quả trong phát triển kinh tế xanh.

Thứ tư, cần sớm xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích và thúc đẩy việc nghiên cứu, sử dụng công nghệ mới, ít tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính và thân thiện với môi trường; chính sách về bảo đảm giá và cơ chế ưu đãi cho phát triển năng lượng tái tạo.

Thứ năm, cần sớm có hệ thống quy định pháp luật đồng bộ, thống nhất về hành vi mua sắm của Chính phủ (13) theo hướng xanh hóa đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, qua đó hình thành thị trường mua sắm công xanh và chuỗi giá trị xanh. Theo đó, có thể nghiên cứu xây dựng Luật Mua sắm xanh và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới (Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch,Hàn Quốc...) để chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng hành lang pháp lý thúc đấy phát triển kinh tế xanh. Như Hàn Quốc đã thành lập Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) với chức năng hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong thiết lập các chính sách phát triển kinh tế xanh thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc, đưa ra kết quả nghiên cứu chất lượng cao cho các nhà hoạch định chính sách và xây dựng mạng lưới phát triển kinh tế xanh.

Chú thích:

(1)  Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, thuật ngữ “nền kinh tế xanh” lần đầu được nhắc đến trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 với ý nghĩa là mục tiêu hướng tới của chính sách hợp tác quốc tế thu hút đầu tư, hỗ trợ tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu của Nhà nước ta (khoản 1 Điều 48 của Luật). Cho đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thuật ngữ “kinh tế xanh” được đề cập đến 02 lần (tại khoản 1 Điều 15 với ý nghĩa là một mô hình kinh tế; tại điểm c khoản 2 Điều 150) và luôn được đặt sau thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn”. Tuy nhiên, khác với thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn” được định nghĩa là “chính sách hợp tác quốc tế thu hút đầu tư, hỗ trợ tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” (khoản 1 Điều 142), thuật ngữ “kinh tế xanh” không được Luật định nghĩa cụ thể.

(2) UNEP (2011). Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication, United Nations Environment Programme

(3) Được hiểu là nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào các loại nhiên liệu hóa thạch (than đá; dầu; khí đốt tự nhiên...), bỏ qua các vấn đề về xã hội, suy thoái môi trường và suy giảm tài nguyên thiên nhiên.

(4) Đây là bản chiến lược đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam.

(5) Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ sở sản xuất trong toàn ngành công nghiệp phải áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch.

(6) Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

(7) Xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới.

(8) Nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh.

(9) Xem Pháp luật về phát triển kinh tế xanh của một số nước và những gợi mở cho Việt Nam (phaply.vn)

(10) Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam

(11) Được sửa đổi, bổ sung năm 2020, 2021

(12) Về nội dung này có thể tham khảo chính sách hệ thống thuế xanh của Trung Quốc; thuế các bon của Singapore.

(13) Trong thực hiện tăng trưởng xanh, Nhà nước là người tiêu dùng quan trọng bởi thực tiễn cho thấy, mua sắm công thường chiếm tới 20% chi tiêu của Chính phủ.

TS. Lê Vệ Quốc - Bộ Tư pháp

Nguồn: Vietq

Từ khóa: tăng trưởng xanh, mua sắm công, kinh tế xanh

Chuyên mục RCEP

Menu

Phân tích - Bình luận

Menu

Thư viện hội nhập

thu vien


phong ve thuong mai

Video

Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field

Liên kết

 

Lượt truy cập

007408138
Go to top