Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu
Chuyên đềHiệp định đã ký kếtCPTPPPhân tích đánh giá tác độngChặn đường “mượn” xuất xứ hưởng ưu đãi

Chặn đường “mượn” xuất xứ hưởng ưu đãi

cangquocte

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về việc hàng hóa nước ngoài “mượn” xuất xứ Việt Nam để hưởng các ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.

Đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa có hiệu lực đối với Việt Nam.

Nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể được hưởng các ưu đãi thuế theo CPTPP, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22/01/2019 quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP. Câu hỏi mà nhiều người quan tâm là liệu Thông tư mới có giúp loại trừ hiện tượng hàng hóa nước ngoài mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi trong CPTPP không?

Quy định chặt xuất xứ hàng hóa theo CPTPP

Theo Thông tư 03, hàng hóa, để có thể được hưởng các ưu đãi trong CPTPP, phải đáp ứng được nhiều điều kiện khác nhau. Các điều kiện này bao gồm: i) hàng hóa được chứng nhận đáp ứng các tiêu chí xuất xứ hàng hóa; ii) có chứng nhận xuất xứ phù hợp; iii) chứng minh được xuất xứ hàng hóa khi có yêu cầu của nước thành viên nhập khẩu. Cả ba điều kiện này đều được quy định khá chặt chẽ. Cụ thể:

Về quy tắc xuất xứ, theo Thông tư 03, hàng hóa được coi là có xuất xứ, nếu hàng hóa đó có xuất xứ thuần túy, được sản xuất toàn bộ chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên CPTPP, hoặc được sản xuất từ nguyên liệu không có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên với điều kiện hàng hóa đó đáp ứng các quy định về xác định xuất xứ.

Trên cơ sở này, Thông tư 03 đưa ra ba phương pháp xác định xuất xứ: quy tắc chuyển đổi mã hàng hóa, quy tắc hàm lượng giá trị nội khối (theo các phương pháp trực tiếp, gián tiếp, giá trị tập trung hoặc chi phí tịnh) hoặc quy tắc công đoạn sản xuất. Các quy tắc này được áp dụng riêng lẻ hoặc kết hợp, theo Phụ lục I, đảm bảo xác định được chính xác xuất xứ của hàng hóa trên cơ sở xác định được hàng hóa đã đáp ứng yêu cầu về trải qua một quá trình chế biến tại một hoặc nhiều nước thành viên CPTPP.

Ngoài ra, đối với một số mặt hàng, các quy tắc xuất xứ chuyển đổi mã hàng hóa được áp dụng cho chuyển đổi chương (CC) – yêu cầu khắt khe nhất - (đặc biệt là đối với sắt, thép, đồ gỗ, dệt may…) hoặc có quy định hàm lượng giá trị nội khối cao sẽ khiến cho việc hàng hóa của các nước không phải là thành viên CPTPP khó có thể được hưởng ưu đãi của CPTPP nếu chỉ quá cảnh hoặc chuyển tại Việt Nam.

Với quy trình chứng nhận xuất xứ, kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, việc cấp C/O mẫu CPTPP được thực hiện tại 20 cơ quan, tổ chức khác nhau được thể hiện ở Phụ lục IX. Đây đều là những tổ chức, cơ quan có kinh nghiệm trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ theo nhiều FTA khác nhau, do đó, cũng có thể đảm bảo được việc tuân thủ các quy định về chứng nhận xuất xứ trong CPTPP.

Về việc kiểm tra theo yêu cầu của nước thành viên nhập khẩu, CPTPP và Thông tư 03 đã quy định khá chi tiết về quy trình và thủ tục kiểm tra. Đặc biệt, cần lưu ý là hồ sơ, chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào phải được cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu CPTPP cũng như thương nhân lưu trữ trong thời hạn ít nhất 05 năm kể từ ngày cấp C/O mẫu CPTPP để phục vụ cho việc kiểm tra. Có thể thấy, thông qua việc kiểm tra, nước thành viên nhập khẩu có thể phát hiện hàng hóa có đáp ứng tiêu chí xuất xứ, để quyết định có cho hàng hóa đó hưởng ưu đãi thuế quan hay không.

Ngoài ra, Thông tư 03 cũng quy định nước thành viên nhập khẩu có thể dừng cho hưởng ưu đãi thuế đối với tất cả hàng hóa giống hệt đối với hàng hóa của nhà sản xuất, nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu đã giả mạo hoặc không hợp tác trong quá trình kiểm tra, xác minh xuất xứ. Chế tài mạnh này không chỉ tác động tới một doanh nghiệp mà có thể tới cả một ngành sản xuất của một nước, nên, cũng có thể được sử dụng để hạn chế tình trạng gian lận trong việc xác định và chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Tự chứng nhận xuất xứ theo CPTPP liệu có bị lợi dụng?

Dù Thông tư 03 chưa đề cập đến thủ tục tự chứng nhận xuất xứ được quy định trong CPTPP, thì hình thức này sẽ được áp dụng sau năm năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam. Tự chứng nhận xuất xứ là hình thức chứng nhận xuất xứ do chính các chủ thể trực tiếp tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu (như nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu…) thực hiện. Đây được đánh giá là hình thức chứng nhận xuất xứ mang lại nhiều lợi ích, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, vì tự chứng nhận xuất xứ dựa chủ yếu vào việc doanh nghiệp tự xác định, tự khai báo, nên cũng không tránh khỏi trường hợp doanh nghiệp Việt Nam, vì lợi ích trước mắt, làm sai lệch thông tin về xuất xứ hàng hóa theo hướng có lợi cho hàng hóa có xuất xứ từ các nước không phải là thành viên CPTPP.

Cần lưu ý là theo CPTPP cũng như Thông tư 03, nếu doanh nghiệp thực hiện tự chứng nhận xuất xứ không hợp lệ, không chỉ doanh nghiệp đó bị từ chối các ưu đãi thuế quan theo CPTPP mà còn có thể bị áp dụng các chế tài khác nhau theo quy định của nước thành viên nhập khẩu. Ngoài ra, như phân tích ở trên, nguy cơ cả một ngành sản xuất bị ảnh hưởng khi một doanh nghiệp Việt Nam gian lận trong quá trình tự chứng nhận xuất xứ là hiện hữu và tạo nên những hệ lụy không nhỏ đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Có thể thấy, các quy định rõ ràng về xuất xứ hàng hóa của CPTPP được nội luật hóa thông qua Thông tư 03 có thể góp phần loại trừ được trường hợp hàng hóa của nước ngoài mượn danh Việt Nam để hưởng ưu đãi của CPTPP. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như các doanh nghiệp Việt tuân thủ đầy đủ các quy định nêu trên.

Vì vậy, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, nhất là khi áp dụng thủ tục tự chứng nhận xuất xứ, sẽ đóng vai trò quan trọng và cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Ngọc Hà – Giảng viên khoa luật, Đại học Ngoại Thương

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Từ khóa: chặn, đường mượn, xuất xứ, hưởng, ưu đãi

Thư viện hội nhập

thu vien


phong ve thuong mai

Video

Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field

Liên kết

 

Lượt truy cập

007412907
Go to top