Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu

AEM 49: Vì một Cộng đồng AEC tăng trưởng toàn diện và sáng tạo

apec ngay 0909

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 49 (AEM 49) được tổ chức từ ngày 7-11/9/2017 tại TP.Pasay, Philippines. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu tham dự hội nghị.

Với chủ đề ưu tiên của hợp tác kinh tế ASEAN năm 2017 về một Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) “tăng trưởng toàn diện và sáng tạo”, tại Hội nghị AEM 49, Bộ trưởng phụ trách kinh tế, thương mại của 10 nước thành viên ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cùng thảo luận các nội dung quan trọng về tình hình thương mại toàn cầu và các vấn đề mới nổi liên quan đến thương mại trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc thực thi các biện pháp AEC 2025, tiến trình đàm phán Hiệp định RCEP và nhiều nội dung khác…

Mặc dù môi trường kinh tế thương mại toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong năm 2016, tổng GDP của ASEAN đã đạt 2,55 nghìn tỷ USD với mức tăng trưởng GDP thực tế là 4,8%. Các dự báo tăng trưởng giữa 10 nước thành viên ASEAN có những khác biệt, nhưng xu hướng chung cho thấy dấu hiệu tích cực từ kích cầu tiêu dùng trong nước cũng như chính sách tài khóa mở rộng. Trên đà tăng trưởng đó, ASEAN được dự báo duy trì mức tăng 4,8% trong năm 2017 với thị trường lao động ổn định, lạm phát tương đối thấp và thu nhập tiếp tục tăng. Tổng thương mại hàng hóa của ASEAN vẫn ổn định với 2,22 nghìn tỷ USD năm 2016; trong đó 23,5% là thương mại nội khối. Trong số các đối tác đối thoại của ASEAN, Trung Quốc, EU và Nhật Bản là ba đối tác thương mại hàng đầu của khối. Tổng thương mại dịch vụ của ASEAN đạt 643,4 tỷ USD; trong đó 16,6% là thương mại nội khối. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực đã đạt 96,72 tỷ USD trong năm 2016 và đầu tư nội khối ASEAN chiếm 24,8%. EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ là ba nguồn cung cấp FDI lớn nhất vào ASEAN. Ngành dịch vụ vẫn là “điểm trũng” thu hút nhiều FDI nhất trong ASEAN với 77,08 tỷ USD tương đương 79,7% trong tổng số vốn năm 2016.

Các Bộ trưởng đã ghi nhận tiến triển đạt được trong đàm phán Hiệp định RCEP sau 19 phiên đàm phán và đang chuẩn bị cho Phiên đàm phán thứ 20; đồng thời ghi nhận nỗ lực của 16 nước tham gia trong việc hướng tới mục tiêu kết thúc cơ bản đàm phán để báo cáo Lãnh đạo Cấp cao vào tháng 11 năm nay. Các Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố vai trò trung tâm của ASEAN về cách tiếp cận cũng như cùng với các nước đối tác để giải quyết các vấn đề còn lại trong đàm phán RCEP.

Đối với các nhiệm vụ kinh tế ưu tiên của năm Chủ tịch ASEAN 2017, các Bộ trưởng đề nghị các nước thành viên ASEAN và các cơ quan chuyên ngành trong AEC nỗ lực để hoàn thành đúng thời hạn các nhiệm vụ và biện pháp ưu tiên, đặc biệt là các biện pháp phi thuế quan (NTM). Hội nghị lần này xem xét bốn đề xuất then chốt để giải quyết các NTM và các rào cản phi thuế quan (NTB), bao gồm: (i) Xây dựng bộ quy tắc rõ ràng về phân loại NTM và NTB; (ii) Thực thi đầy đủ tất cả các cam kết đã quy định tại Điều 11 (Thủ tục Thông báo), Điều 12 (Công khai và giám sát các quy định thương mại), Điều 40 (Áp dụng các NTM) và Điều 42 (Xóa bỏ các NTB khác) trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); (iii) Xây dựng một cơ chế  tính toán thủ tục thông báo trong ATIGA, ví dụ một nước thành viên ASEAN có thể thông báo đưa ra các NTM/NTB mới với một nước thành viên khác; (iv) Cải thiện hệ thống có sự tham gia của khu vực tư nhân trong xác định NTB. Cùng với đó, để làm sâu sắc hơn tiến trình hội nhập khu vực, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN bày tỏ quan điểm ủng hộ việc thu hẹp khoảng cách phát triển và xem xét đưa ra mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư nội khối ASEAN trong thập kỷ tới.

ASEAN đã đạt được những kết quả quan trọng về tự do hóa thuế quan và nỗ lực để giải quyết các rào cản thuế quan còn lại trong ASEAN theo Kế hoạch Tổng thể AEC 2025. Đến nay, thuế nhập khẩu trong ATIGA đối với 99,2% dòng thuế của ASEAN-6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) và 90,9% dòng thuế của CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) đã được xóa bỏ, nâng tỷ lệ tự do hóa thuế quan của ASEAN lên mức 96,01%. Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực chung nhằm giải quyết các NTM thông qua sử dụng Trung tâm thông tin thương mại ASEAN (ATR) như một nền tảng quan trọng để đạt được mục tiêu. Kể từ khi khởi động ATR hồi tháng 11/2015, tất cả các nước thành viên ASEAN đã thiết lập Trung tâm thông tin thương mại quốc gia (NTR), vì vậy, ASEAN cần nỗ lực gấp đôi để kết nối thông tin giữa NTRs và ATR, nhằm tạo ra dự liệu trực tuyến về các thông tin liên quan đến thương mại của ASEAN, nâng cao sự minh bạch và cải thiện cơ hội tiếp cận thông tin của doanh nghiệp.

Việc triển khai Cơ chế hải quan một cửa ASEAN (ASW) đã đạt được dấu mốc mới, nhất là thiết lập Cơ quan quản lý dự án (PMO) ở Ban Thư ký ASEAN, nhằm quản lý hoạt động thường xuyên hàng ngày của cơ chế một cửa ASEAN. Hiện nay, có 5 nước: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đang trong giai đoạn thử nghiệm về trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ điện tử Mẫu D. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng đang xem xét trao đổi điện tử các tài liệu thương mại qua biên giới như Giấy chứng nhận kiểm dịch điện tử (e-Phyto) vào tháng 12 năm nay và Bộ Tờ khai hải quan ASEAN (e-ACDD) vào năm 2018. ASEAN đã thông qua và đưa vào hiệu lực Nghị định thư về Khung pháp lý thực thi Cơ chế một cửa ASEAN từ ngày 01/8/2017, nhằm dẫn tới bắt đầu triển khai Giấy chứng nhận Mẫu D điện tử. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng cơ chế hải quan một cửa ASEAN nhằm hoàn tất tiến trình thông quan hàng hóa, giảm chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp trong ASEAN.

ASEAN đang gần hoàn tất việc ký kết Nghị định thư thứ hai Sửa đổi Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) và chuẩn bị ký kết Nghị định thứ ba. Điều này cho thấy nỗ lực của các nước ASEAN trong thực hiện cải cách, giảm thiểu và xóa bỏ các hạn chế đầu tư, nhằm tạo dựng cơ chế đầu tư cởi mở và tự do trong khu vực. Nhiệm vụ “chương trình nghị sự trọng tâm và chiến lược về đầu tư” là một ưu tiên của ASEAN, góp phần hỗ trợ các mục tiêu và trụ cột của ACIA, cả về bảo hộ, tự do hóa, thúc đẩy và tạo thuận lợi đầu tư. Báo cáo tới các Bộ trưởng tại Hội nghị AEM 49 cho thấy, ASEAN đang dần hoàn thành Gói cam kết thứ 10 của Hiệp định khung ASEAN về thương mại dịch vụ (AFAS) là gói cam kết cuối cùng cho phép sự lưu chuyển tự do của dịch vụ trong khu vực, khuyến khích ký kết Nghị định thư thực thi Gói cam kết thứ 10 tại Hội nghị AEM Retreat lần thứ 24. Với tầm quan trọng của việc đạt được hội nhập sâu sắc trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, các Bộ trưởng đề nghị ASEAN sớm kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA) vào cuối năm nay.

ASEAN đã thiết lập Ủy ban Điều phối ASEAN về Thương mại điện tử (ACCEC), nhằm thúc đẩy, điều phối và tăng cường nỗ lực của các cơ quan chuyên ngành trong việc đẩy mạnh sự phát triển của thương mại điện tử trong khối ASEAN. Hội nghị AEM 49 đã thông qua Chương trình làm việc ASEAN về thương mại điện tử 2017-2025, tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới trong ASEAN, bao gồm các sáng kiến đa ngành trong các lĩnh vực (i) cơ sở hạ tầng, (ii) giáo dục và công nghệ, (iii) bảo vệ người tiêu dùng, (iv) hiện đại hóa khuôn khổ pháp lý, (v) an toàn, an ninh của các giao dịch điện tử, (vi) hệ thống thanh toán điện tử, (vii) thuận lợi hóa thương mại, (viii) cạnh tranh, (ix) logistics và (x) khuôn khổ thương mại điện tử. Bản chương trình này cũng bao gồm các biện pháp đa ngành, tiến tới xây dựng Hiệp định ASEAN về Thương mại điện tử vào năm 2018.

Trong quan hệ kinh tế đối ngoại đối với các đối tác ngoài khối, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN khẳng định lại tầm quan trọng của hội nhập ASEAN vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu thông qua các hiệp định và thỏa thuận hợp tác. Hiện nay, ASEAN đang phối hợp với các nước để cải thiện, nâng cấp và tiếp tục đàm phán các nội dung quan trọng trong các FTA và các chương trình hợp tác khác. Nhất quán chủ trương tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm trong đồng thuận ASEAN để triển khai các sáng kiến, hoạt động hợp tác. Đặc biệt, các Bộ trưởng đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, nhấn mạnh tính bổ sung và tương đồng giữa APEC và ASEAN, đồng thời thông qua Quy tắc về sự tham gia của Ban Thư ký ASEAN trong tiến trình APEC.

Nỗ lực hội nhập của ASEAN có sự góp sức và hỗ trợ mạnh mẽ thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực do các đối tác đối thoại và đối tác phát triển tài trợ như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đức.... Các hoạt động hợp tác bao gồm các dự án chủ chốt về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), giám sát và thống kê, nông nghiệp và Sáng kiến hội nhập ASEAN.

Nguồn: Báo Công Thương

Từ khóa: AEM 49, một cộng đồng, AEC, tăng trưởng, toàn diện, sáng tạo

Lượt truy cập

007427045
Go to top