Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu
Phân tích - Bình luậnTại sao ASEAN là quan trọng?

Tại sao ASEAN là quan trọng?

asean 6

ASEAN đang ở ngã ba đường. Khi 2 gã khổng lồ là Trung Quốc và Ấn Độ đang thống trị trong các cuộc tranh luận về thế kỷ của châu Á, đôi khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN có thể bị bỏ qua. Nhưng điều này là không đúng.

ASEAN rất quan trọng

Các nền kinh tế ASEAN là rất quan trọng, dưới đây là một vài con số thống kê:

Dân số của ASEAN là 622 triệu người, gần gấp đôi dân số của Mỹ và nhiều hơn con số 506 triệu người của Liên minh châu Âu (EU). Là một nhóm, ASEAN là cường quốc kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới và có thể sẽ là lớn thứ 4 vào năm 2050. Trong khi không đạt được mức phát triển nhanh như Trung Quốc hay Ấn Độ, nhưng ASEAN vẫn là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, trung bình 5,1% trong giai đoạn 2000-2013.

Indonesia - với dân số 250 triệu người, chiếm gần 40% GDP của ASEAN. Indonesia cũng là quốc gia duy nhất của ASEAN là thành viên của G20 - Diễn đàn hợp tác kinh tế của 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

GDP bình quân đầu người của ASEAN là 10.700 USD tính theo ngang giá sức mua, thấp hơn mức 14.200 USD của Trung Quốc, nhưng cao hơn so với trung bình 6.100 USD của Ấn Độ. ASEAN là khu vực xuất khẩu lớn thứ 4 thế giới chỉ sau EU, NAFTA, và Trung Quốc. Năm 2013, 5 nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) hơn so với Trung Quốc, 128 tỷ USD so với 117 tỷ USD.

Các đối tác thương mại quan trọng nhất của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản và EU. Các nước ASEAN giàu hơn có xu hướng đa dạng các đối tác thương mại trong khi các nước kém phát triển hơn gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) phụ thuộc quá nhiều vào thương mại với Trung Quốc. Do đó sự trỗi dậy của Trung Quốc đã tạo ra một lực kéo lên các nền kinh tế ASEAN. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU, sau đó là Mỹ và Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, EU luôn dẫn đầu về vốn FDI vào ASEAN, thậm chí cao hơn cả Nhật Bản - đối tác quan trọng của ASEAN. Các nước EU đầu tư nhiều nhất vào ASEAN là Hà Lan, Anh, Bỉ và Luxembourg. Từ năm 2012, đã có một làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào ASEAN nhằm cân bằng lại mức lương tăng và những căng thẳng địa chính trị với Trung Quốc cũng như kỳ vọng vào sự phát triển của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Trung Quốc không phải là nhà đầu tư lớn trong ASEAN nhưng là nhà cung cấp FDI quan trọng nhất tại Campuchia, Lào và Myanmar; và lớn thứ hai tại Việt Nam (Singapore cũng là một điểm đến quan trọng trong đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc). Các công ty Trung Quốc đã dịch chuyển cơ sở sản xuất sang các nước ASEAN khi mức lương ở Trung Quốc tăng lên và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng ở các nước ASEAN giáp Trung Quốc, cụ thể là Lào, Myanmar và Việt Nam nhưng có thể việc tài trợ này không xuất hiện trong các thống kê về FDI. Trên thực tế, vốn FDI của Trung Quốc vào ASEAN có thể bị ước lượng thấp đi do một số đi qua con đường Hong Kong và Singapore hoặc đơn giản là không được thông báo cho chính phủ Trung Quốc.

Tầm quan trọng của ASEAN không chỉ nằm ở quy mô của nó mà còn ở vị trí địa chiến lược quan trọng của ASEAN. Phần lớn thương mại toàn cầu đi qua vùng biển thuộc ASEAN.

ASEAN đã bắt đầu như thế nào?

Năm 1967, chính phủ các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã quyết định cùng nhau tham gia kiến tạo nên ASEAN. Sự cần thiết phải hợp tác an ninh là động lực chính cho sự ra đời của ASEAN.

Sau đó, vào năm 1984, Brunei cũng tham gia ASEAN. Ngoài các vấn đề an ninh, ASEAN đã luôn thực hiện hợp tác kinh tế, xã hội và văn hóa.

Khi chiến tranh lạnh kết thúc cùng sự trỗi dậy của xu hướng toàn cầu hóa, ASEAN đã trở thành một tổ chức hợp tác kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội quan trọng. Các thành viên của ASEAN được mở rộng bao gồm Việt Nam (1995), Lào và Myanmar (1997), Campuchia (1999).

Sự đa dạng và “nguyên tắc ASEAN”

Một khía cạnh quan trọng trong sự thành công của ASEAN là đã quy tụ được một nhóm đa dạng các nước gia khác nhau.  

Trong đó, Brunei và Singapore rất giàu có; các nước có thu nhập trung bình như Malaysia và Thái Lan; các nền kinh tế mới nổi như Indonesia và Philippines, và những nước tương đối tương đồng như Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia.

Sự đa dạng còn được thể hiện trong khác biệt về thể chế chính trị và tôn giáo. Sự đa dạng của ASEAN chính là một phần cho nguyên tắc hợp tác của các nước này là dựa trên sự hài hòa, chính thức, thỏa hiệp, đồng thuận và không can thiệp – còn được biết đến là “nguyên tắc ASEAN”. Điều này cũng có nghĩa rằng các chính sách được ASEAN đưa ra dựa trên mẫu số chung thấp nhất. Nguyên tắc ASEAN cũng cho phép các nước thành viên có được cái cớ cho việc không tuân thủ một thỏa thuận nào đó của khối.

Cam kết hội nhập kinh tế không có đủ cơ chế đảm bảo cho sự tuân thủ. Một số người cho rằng có ít hơn 50% các thỏa thuận của ASEAN thực sự được thực hiện, trong khi ASEAN có hơn 600 cuộc họp một năm. Theo đó, ASEAN có vẻ như là một “hội nghị” hơn là một tổ chức quốc tế nghiêm túc.

ASEAN - Tham vọng khiêm tốn nhưng tiến bộ cụ thể

ASEAN thường xuyên bị chỉ trích bởi các nhà quan sát, đặc biệt khi so sánh với những tham vọng mà EU đặt ra do sự thiếu rõ ràng trong những mục tiêu của khu vực. Nhưng trong những năm qua, ASEAN đạt được những kết quả vững chắc. Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) được ký kết vào năm 1992 và hiện đã bao gồm tất cả 10 thành viên ASEAN.

Năm 2015, Cộng đồng ASEAN đi vào thực thi với 3 trụ cột gồm Cộng đồng Chính trị-An ninh; Cộng đồng Kinh tế; và Cộng đồng Văn hóa xã hội. Cộng đồng kinh tế ASEAN được tạo lập trên 4 sáng kiến ​​cơ bản: tạo ra một thị trường và cơ sở sản xuất chung; tăng khả năng cạnh tranh; thúc đẩy phát triển kinh tế công bằng; và tiếp tục tích hợp ASEAN với nền kinh tế toàn cầu.

Trong những năm qua, đã có những cuộc đối thoại nhằm tạo ra một “đơn vị tiền tệ ASEAN”, nhưng có rất ít khả năng ý tưởng này sẽ trở thành thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh EU đang gặp những khó khăn với chính mô hình của mình.

Trong khi ASEAN đặt ra những tham vọng tương đối thấp và còn yếu về khả năng thực thi nhưng không nên đánh giá thấp khu vực này. Những mối quan hệ tích cực và hữu nghị giữa các nước thành viên ASEAN là những tiến bộ tuyệt vời trong tương quan với những căng thẳng vào thập kỷ 1960. Những nỗ lực cụ thể cũng đang được thực hiện để làm sâu sắc hơn khu vực thương mại mậu dịch tự do và sự dịch chuyển của lao động có tay nghề cao.

ASEAN đi đầu trong nỗ lực hợp tác tại khu vực châu Á

Nỗ lực hợp tác khu vực của ASEAN có vẻ tương đối khiêm tốn, nhưng ASEAN là minh chứng cho sự hợp tác khu vực thành công và có ý nghĩa nhất tại châu Á.

Đông Bắc Á không được như như ASEAN. Trung Quốc có hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông. Nhưng đây là các hiệp định song phương và Trung Quốc cũng không có một thỏa thuận tương tự với Nhật Bản. Hơn nữa, xuất phát từ những nguyên nhân chính trị và lịch sử, hầu như không có khả năng một thỏa thuận thương mại tự do sẽ được hình thành giữa các nền kinh tế tại khu vực Đông Bắc Á.

Tại Nam Á, cũng là không có khả năng hình thành một hiệp định thương mại tự do khu vực hay thỏa thuận hợp tác kinh tế tích cực liên quan đến Ấn Độ và Pakistan - 2 nước sở hữu vũ khí hạt nhân với nhiều mâu thuẫn.

ASEAN - điểm tựa cho sự hợp tác tại châu Á

Với những mối quan hệ căng thẳng giữa nhiều nước trong khu vực Đông và Nam Á, ASEAN đã trở nên rất có ảnh hưởng và thực sự là “điểm tựa” cho hợp tác tại châu Á. ASEAN hiện có FTA với 6 quốc gia khác nhau, cụ thể là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ và là đối tác của hàng loạt các FTA đang đàm phán ở châu Á. Ngoài ra, một số nước trong nhóm 6 quốc gia kể trên cũng có các FTA riêng lẽ với một số thành viên ASEAN nhằm đạt được tham vọng lớn hơn về tự do hóa thương mại. Tóm lại, những nỗ lực tự do hóa thương mại tại châu Á đã và đang tập trung vào ASEAN tuy nhiên hầu hết các FTA đã đạt được còn tương đối nông - như chính bản thân AFTA giữa 10 nước ASEAN.

FTA của ASEAN đang trong quá trình tích hợp, với sự kỳ vọng sâu sắc, sẽ tạo ra một khu vực đối tác kinh tế toàn diện (RCEP). Đàm phán cho RCEP  được bắt đầu từ năm 2012 theo đề xuất của ASEAN về một khu vực thương mại tự do, bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và những nước hiện có FTA với ASEAN đó là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. 16 nước tham gia RCEP sẽ chiếm gần ½ dân số thế giới, gần 30% GDP toàn cầu và hơn ¼ xuất khẩu thế giới.

ASEAN cũng đóng vai trò hàng đầu trong đối thoại an ninh ở châu Á thông qua Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) được thành lập vào năm 1994, bao gồm 27 thành viên là: 10 nước ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines , Singapore, Thái Lan và Việt Nam), 10 đối tác của ASEAN (Australia, Canada, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ), 01 nhà quan sát ASEAN (Papua New Guinea) cũng như Triều Tiên, Mông Cổ, Pakistan, Timor-Leste, Bangladesh và Sri Lanka.

ARF là một diễn đàn quan trọng cho đối thoại an ninh ở châu Á, bổ sung cho các liên minh đối thoại song phương khác. ARF mang đến nền tảng để các thành viên có thể thảo luận về những vấn đề an ninh khu vực trong hiện tại và phát triển các biện pháp hợp tác để tăng cường hòa bình và an ninh khu vực. ARF đặc trưng bởi việc ra quyết định theo cơ chế đồng thuận và tối thiểu.

ASEAN cũng nắm vị trí lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) - một diễn đàn các nhà lãnh đạo trong khu vực tiến hành đối thoại chiến lược và hợp tác chống lại những thách thức mà Đông Á đang đối mặt.

Thành viên của EAS gồm 10 nước ASEAN, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Mỹ và Nga. 18 nước thành viên EAS đại diện cho 55% dân số thế giới và chiếm 55% GDP toàn cầu.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 tại châu Á, những nỗ lực lớn đã được các nước Đông Á thực hiện nhằm tạo cơ sở cho một “Quỹ tiền tệ châu Á” (Asian IMF) mà một lần nữa tập trung quanh ASEAN.  Điều này được thể hiện trong Sáng kiến Tự do đa phương Chiang Mai  (CMIM) trong đó đề cập đến thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đa phương giữa 10 nước ASEAN với Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông), Nhật Bản và Hàn Quốc. CMIM được hỗ trợ bởi cơ quan nghiên cứu là Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+ 3, hay AMRO.

ASEAN là nền tảng quan trọng cho Hội nghị Á-Âu (ASEM) được hình thành vào năm 1996 và Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức 2 năm một lần. Hội nghị lần thứ 11 vừa được tổ chức từ ngày 15 đến 16 tháng 7 năm 2016 tại Ulaanbaatar, Mông Cổ.

ASEAN được cấp tư cách quan sát viên tại Liên Hợp quốc vào năm 2006. Đổi lại, ASEAN xem Liên Hợp quốc là “đối tác đối thoại”.

ASEAN tại Thế vận hội Olympic

Các nước ASEAN đã giành 13 huy chương vàng tại Olympic 2012, trong đó Thái Lan có 7 và Indonesia đoạt 6. Thế vận hội 2016 đang diễn ra, Việt Nam cũng dành được huy chương vàng đầu tiên cho nội dung súng ngắn hơi hay Indonesia dành huy chương bạc với cử tạ.

ASEAN ở ngã ba đường

ASEAN có thể chỉ ra nhiều thành tựu quan trọng trong lịch sử gần 50 năm của mình. Tuy nhiên, hôm nay khu vực vẫn đang đứng ở ngã ba đường và cần phải nỗ lực hơn nữa để phát huy hết tiềm năng của nó.

Các nước thu nhập trung bình trong ASEAN cần tự do hóa thị trường hơn nữa để thúc đẩy hội nhập kinh tế và tăng cường sức sống cho nền kinh tế. Trong khi AFTA là một thành tích ấn tượng thì các nỗ lực tự do hóa thương mại, đầu tư và lao động vẫn còn khá khiêm tốn.

Trong khi mức thuế đối với hàng hóa hiện nay gần bằng 0 trong nhiều lĩnh vực thì rào cản phi thuế quan, cơ chế giải quyết tranh chấp kém, các ngoại lệ khác và hàng loạt ngành vẫn đang được bảo hộ càng ngăn cản tiến trình tự do hóa. Ngoài ra, tiến bộ về tự do hóa dịch vụ và đầu tư cũng rất chậm chạp. Cải thiện cơ sở hạ tầng là rất quan trọng cho mục tiêu hình thành một thị trường và cơ sở sản xuất chung duy nhất cho ASEAN do đó đường giao thông xuyên biên giới, đường điện, đường sắt và hàng hải là rất cần thiết để thúc đẩy cộng đồng ASEAN tiến về phía trước.

Mặc dù có AFTA, thương mại ASEAN vẫn còn tương đối thấp, chỉ chiếm 25% tổng thương mại, và không tăng trưởng nhiều trong hơn 15 năm qua. Nói cách khác, trái ngược với EU và NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ), hầu hết hoạt động thương mại của các nước ASEAN là với các đối tác bên ngoài khu vực.

ASEAN có thể là công cụ hiệu quả để giải quyết các vấn đề khu vực hay những thách thức liên quan đến thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, chống cướp biển, buôn bán ma túy, buôn bán người… Nhưng thật đáng tiếc ASEAN đã không thể hiện được rằng mình có thể hành động như một người giải quyết vấn đề trong khu vực. Quá thường xuyên, ASEAN thường trông sang Mỹ và Nhật Bản, hoặc cố gắng để giải quyết một vấn đề trong khuôn khổ song phương.

Một ASEAN vững mạnh, đoàn thể bảo vệ lợi ích của khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng leo thang, nhưng rõ ràng mạnh mẽ và thống nhất không phải là những gì mà ASEAN đang có.

Nguồn : http://asiancenturyinstitute.com/ - HP

Từ khóa : Tại sao, ASEAN, là quan trọng.

Chuyên mục RCEP

Menu

Phân tích - Bình luận

Menu

Thư viện hội nhập

thu vien


phong ve thuong mai

Video

Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field

Liên kết

 

Lượt truy cập

007391473
Go to top