Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu
Hội nhập và phát triểnNút thắt lớn nhất của 'đầu tàu' TP.HCM

Nút thắt lớn nhất của 'đầu tàu' TP.HCM

TPHCM

TP.HCM được ví như đầu tàu kinh tế của cả nước khi đóng góp 22% GDP, nhưng chỉ được giữ lại 18% thu ngân sách, con số thấp nhất trong 63 địa phương.

ICOR là hệ số phản ánh hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được sử dụng rộng rãi trong kinh tế vĩ mô. Đây là một trong bộ chỉ tiêu kinh tế tổng hợp ở Việt Nam, phản ánh việc muốn tăng thêm 1% tổng sản phẩm quốc nội thì tương ứng tăng thêm bao nhiêu đồng vốn đầu tư. Hệ số ICOR càng thấp thì thể hiện hiệu quả sử dụng vốn tạo ra GDP càng cao.

Giai đoạn 2016-2020, chỉ số ICOR của TP.HCM đạt 4,64, trong khi cả nước là 7,04, nghĩa là hiệu quả sử dụng vốn tại TP.HCM gấp 1,5 lần cả nước, đứng đầu trong số 63 địa phương.

Hiệu quả sử dụng vốn cao nhưng vấn đề của TP.HCM lại nằm ở việc thiếu vốn. TP.HCM là địa phương đóng góp hơn 22% GDP cả nước, đóng góp 27% thu ngân sách, nhưng chỉ được giữ lại số thu ngân sách thấp nhất - 18%. Thiếu vốn đang là “nút thắt” lớn nhất của thành phố 9 triệu dân trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách về giao thông, hạ tầng, an sinh, xã hội, môi trường…

“Tỷ lệ điều tiết ngân sách thấp nhất thế giới”

Năm 2020, thu ngân sách của TP.HCM là 370.000 tỷ đồng, giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn dẫn đầu cả nước. Theo lý thuyết, TP.HCM chỉ được giữ lại 18% số tiền này, tương ứng 67.000 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2020, Hà Nội thu ngân sách đạt 284.000 tỷ đồng, nhưng được giữ lại 35%, nghĩa là 99.000 tỷ. Hà Nội đóng góp khoảng 14% GDP của cả nước, còn TP.HCM đóng góp 22%.

Số tiền ngân sách Hà Nội được giữ lại hơn TP.HCM là 22.000 tỷ đồng, bằng khoảng 1/2 tổng vốn đầu tư tuyến metro số 1 (47.000 tỷ đồng). Làm một bài toán đơn giản, nếu TP.HCM được giữ lại bằng số tiền của Hà Nội (không so sánh bằng tỷ lệ), thì cứ 2 năm, TP.HCM lại đủ tiền làm được một tuyến metro, trong 10 năm sẽ làm được 5 tuyến metro.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong từng nói rằng TP có tỷ lệ điều tiết ngân sách thấp nhất thế giới. Điều này gây khó khăn trong việc giải quyết các bài toán an sinh xã hội, đầu tư phát triển.

Tại TP.HCM, hạ tầng đang là vấn đề cấp bách để khơi thông phát triển cho một thành phố 9 triệu dân. Mật độ đường giao thông của TP.HCM chỉ là 2,17 km/km2, chỉ đạt khoảng 20% so với quy chuẩn mật độ đường đô thị.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM mới đây cho biết TP cần khoảng 100.000 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD) để phát triển giao thông, đặc biệt là các dự án trọng điểm, mang tính cấp bách.

Đó là các dự án cầu Thủ Thiêm 4; đoạn 4 - Vành đai 2; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13; dự án xây dựng hoàn chỉnh trục đường từ Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm; xây cầu Cần Giờ; xây dựng đường trên cao tuyến số 1 và tuyến số 5; cầu Bình Quới - Rạch Chiếc…

Để làm được những dự án này, TP.HCM phải bỏ ngân sách khoảng 32.000 tỷ đồng “vốn mồi”, số còn lại huy động xã hội hóa. Tuy nhiên, 32.000 tỷ đồng đang là số tiền quá lớn cho hàng nghìn nhiệm vụ chi của “đầu tàu” kinh tế.

TP.HCM phải xử lý khoảng 7.000-8.000 tấn rác mỗi ngày, cần hàng trăm nghìn tỷ đồng để phát triển nhà ở cho nhiều đối tượng trong 10 năm tới, cần 42.000 tỷ đồng để phát triển TP Thủ Đức, cần 7.000 phòng học mới trong năm 2021, cần 6.000 tỷ để xây dựng 3 bệnh viện mới…

TP.HCM cũng chỉ xây mới và cải tạo được 2.757 km/6.000 km hệ thống cống thoát nước; nạo vét được 129 km/4.369 km kênh rạch, trong khi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của việc ngập nước, sụt lún.

Đề xuất tăng lên 23%

Xét trên bình diện cả nước, TP,HCM đang là địa phương có tỷ lệ giữ lại ngân sách thuộc hàng thấp nhất. Hiện tại, có 16 địa phương phải điều tiết ngân sách về trung ương. Tỷ lệ điều tiết giữa 16 địa phương này không giống nhau.

Hà Nội được giữ lại 35%, Bình Dương là 36%, Đồng Nai và Vĩnh Phúc lần lượt là 47% và 53%...

Thời kỳ 2011-2016, TP.HCM được giữ lại 23% số thu ngân sách, đến năm 2017 thì giảm còn 17%, sau đó tăng nhẹ lên 18%. Hà Nội và một số địa phương khác cũng bị giảm tỷ lệ được giữ lại, nhưng không bị giảm sâu như TP.HCM. Hà Nội từng bị cắt từ 42% xuống 35%, Hải Phòng từ 88% xuống 67%, Đà Nẵng từ 85% xuống 55%...

Để khắc phục tình trạng thiếu vốn, “bó chân, bó tay” thì ngân sách hạn hẹp, UBND TP.HCM đã có kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng và xây dựng đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2022-2025.

nut that TPHCM1 12.5.21

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong từng cho biết TP đã tổ chức nhiều cuộc họp và xây dựng trên 12 kịch bản tỷ lệ điều tiết theo phương pháp nghiên cứu khoa học.

Kết quả cho thấy phương án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM là 23% trong giai đoạn 2022-2025 (bằng với giai đoạn 2011-2016) là tối ưu, đảm bảo đáp ứng được tất cả các tiêu chí.

Giả sử từ năm 2022, thu ngân sách của TP.HCM vào khoảng 400.000 tỷ đồng mỗi năm, được giữ lại 23%, TP sẽ có nguồn lực quan trọng gần 100.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển.

Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân từng cho biết nếu TP.HCM được tăng tỷ lệ giữ lại, không những trung ương không bị hụt thu, mà thậm chí còn thu được nhiều ngân sách hơn. Lập luận được đưa ra là TP.HCM là trung tâm có hiệu quả kinh tế cao nhất nước, năng suất gấp 2,8 lần bình quân cả nước.

“Một đồng vốn công bỏ ra ở TP.HCM thu hút 10-14 đồng vốn đầu tư và mỗi năm tạo thêm 126.000 việc làm”, ông Nhân từng chia sẻ.

Thời điểm “vàng” để thay đổi

Trong khi tuyến vành đai 2, vành đai 3 của TP.HCM đang thi công chậm chạp, một phần vì thiếu vốn, thì cách đó gần 2.000 km, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80 km, 6 làn xe đang phăng phăng về đích vào cuối năm nay. Đây là một trong những hình mẫu về việc dùng vốn đầu tư công để dẫn dắt và thu hút vốn tư nhân vào việc phát triển hạ tầng.

Toàn tuyến Vân Đồn - Móng Cái dài 80 km, chi phí đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng, là một số tiền rất lớn, rất khó để thu hút nhà đầu tư tư nhân. Tỉnh Quảng Ninh đã quyết định chia 80 km thành 2 đoạn. Tỉnh sẽ dùng ngân sách để đầu tư đoạn “khó nhằn” nhất dài 16 km đi từ Vân Đồn đến Tiên Yên khi phải làm rất nhiều cầu, xử lý nền đất yếu với chi phí 3.700 tỷ (khoảng 230 tỷ cho một km).

Đoạn còn lại dài 63 km thì thu hút được một nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn 8.500 tỷ. Như vậy, một đồng vốn đầu tư công của Quảng Ninh tại dự án này đã thu hút được 3 đồng vốn tư nhân, và giúp tỉnh này có sự thay đổi vượt bậc về hạ tầng giao thông.

Bỏ vốn đầu tư công ra để làm “vốn mồi”, thu hút đầu tư tư nhân vào đang là điều mà ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, mong muốn TP làm nhiều hơn. Muốn như vậy thì phải có nguồn ngân sách đáng kể đầu tư ban đầu, và lời giải là phải tăng tỷ lệ ngân sách mà TP được giữ lại.

TS Trần Du Lịch cho rằng năm 2021 là “thời điểm vàng” khi Quốc hội sẽ dự kiến ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên sang năm 2021 để áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách mới (giai đoạn từ 2022 trở đi).

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng muốn TP.HCM duy trì là “đầu tàu” kinh tế của cả nước, muốn nơi đây đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển thì cần phải có sự đầu tư thích đáng. Việc thay đổi tỷ lệ điều tiết ngân sách, theo ông là một trong những hành động tháo gỡ “nút thắt” rất quan trọng.

Thời gian qua, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai… vươn lên mạnh mẽ, ngày càng thu hẹp khoảng cách với TP.HCM. Trong khi đó đà tăng trưởng của TP.HCM đang chậm lại.

Tuy nhiên, TP.HCM lại là nơi có năng suất lao động cao nhất cả nước, bình quân 2016-2019 đạt 284 triệu đồng/người, trong khi chỉ số ICOR rất thấp. “Đây là những tiền đề quan trọng để dòng vốn đầu tư đạt được những hiệu quả cao nhất”, ông nói.

Nguồn: Zing News

Từ khóa: tỷ lệ điều hành ngân sách TPHCM, tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách

Hội nhập và phát triển

Menu

Chuyên mục RCEP

Menu

Thư viện hội nhập

thu vien


phong ve thuong mai

Video

Lượt truy cập

007387500
Go to top