Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu

Định hình luật chơi trong cơ chế đa phương

toan cau hoa 2

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới khiến chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 là một trong những sự kiện đã góp phần định hình lại và nhắc nhở những nền kinh tế lớn nhất thế giới về sự quan trọng của toàn cầu hóa.

Việt Nam đã hội nhập sâu rộng

Năm 2004, chàng trai trẻ Nguyễn Minh Vũ đã có vinh dự tham gia Ban Thư ký APEC quốc tế tại Singapore, để chuẩn bị cho việc tổ chức sự kiện ngoại giao vô cùng quan trọng vào thời điểm bấy giờ là Năm APEC 2006 tại Việt Nam.

Năm 2017, khi đã ở cương vị Phó trưởng ban thường trực Ban Thư ký quốc gia APEC 2017 (Bộ Ngoại giao), những kỷ niệm, dấu mốc quan trọng của sự kiện APEC 2006 vẫn được ông Vũ lưu giữ và khiến nhà ngoại giao này hào hứng mỗi khi nhắc tới.

“Năm 2006, Tạp chí Economist từng đăng bài báo với tiêu đề “APEC: A perfect excuse for chat” (tạm dịch là APEC: Lý do hoàn hảo để nói chuyện phiếm - PV). Tuy nhiên, trong 10 năm qua, quan điểm của các nền kinh tế với vai trò của APEC đã có sự thay đổi”, ông Vũ nhớ lại.

Theo ông Vũ, APEC là cơ chế hợp tác tự nguyện và không ràng buộc, nhưng những vấn đề được đưa vào tuyên bố của các lãnh đạo thì các thành viên phải nghiêm túc thực hiện, bởi các văn kiện này có tính chất tham chiếu. Hơn nữa, vai trò của APEC ngày càng được đánh giá cao dưới 3 góc độ là hoạch định chính sách, chiến lược và kinh doanh.

“Nếu năm 2006, APEC có 15 nhóm công tác, thì đến năm 2017 có trên 50 nhóm, giống như một chính phủ giải quyết những vấn đề gì thì APEC có nhóm công tác liên quan đến vấn đề đó”, ông Vũ nói.

Trong khi đó, dưới góc nhìn chiến lược, APEC là diễn đàn kinh tế, nhưng cũng là cơ chế hợp tác với sự tham gia của lãnh đạo các nền kinh tế tại Tuần lễ Cấp cao. Tại các hội nghị, tiếp xúc, các nhà lãnh đạo không chỉ thảo luận các vấn đề kinh tế, mà còn thảo luận các vấn đề đối ngoại, chiến lược.

Còn dưới góc độ kinh doanh, Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) tổ chức 4 hội nghị mỗi năm và đỉnh cao là Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) là cơ hội để các tên tuổi lớn gặp nhau.

Riêng với Việt Nam, APEC là cơ chế rất tốt để thúc đẩy cải cách trong nước. “Bối cảnh Việt Nam từ năm 2006 đến nay có nhiều thay đổi. Nếu năm 2006, Việt Nam mới đang trong quá trình hội nhập, thì APEC 2017, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với vị thế cao hơn trong mắt bạn bè quốc tế”, ông Vũ đánh giá.

Năm 2006, chỉ có 1 thành viên APEC là đối tác chiến lược của Việt Nam, thì đến nay, Việt Nam đã có 13 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện trong APEC, đi kèm với đó là quan hệ đầu tư, thương mại của các thành viên APEC chiếm tỷ trọng lớn.

Ông Vũ cho rằng, thành công đó có được là từ góc độ đánh giá APEC của Việt Nam trên cả 3 phương diện là cải cách kinh tế, chiến lược và kinh doanh. “Giá trị của APEC rất lớn với chúng ta, APEC là địa bàn tập trung tất cả lợi ích chiến lược - đối ngoại - kinh tế”, ông Vũ nói.

Xây dựng đồng thuận, thu hẹp khác biệt

Những lợi ích từ APEC đối với mỗi nền kinh tế thành viên là điều không thể phủ nhận và đó cũng là nguyên nhân mà kể từ khi ra đời vào năm 1989 đến nay, diễn đàn này đã trở thành sự kiện quan trọng được tổ chức thường niên. Tuy nhiên, Năm APEC 2017 lại đối mặt với nhiều thách thức hơn bao giờ hết.

Trong chuyến tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại Việt Nam vừa qua, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã nhận định, APEC 2017 sẽ đi vào lịch sử liên kết khu vực, vì xuất hiện những thách thức chưa bao giờ có do sự khác biệt trong quan điểm của các nước về chủ nghĩa bảo hộ, tự do hóa thương mại.

Điều này trực tiếp tác động đến giá trị cốt lõi của APEC, bởi kể từ khi thành lập, APEC đề cao tự do hóa thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa…, là bí quyết đưa các nền kinh tế thành viên trở thành con rồng, con hổ châu Á, các thành viên APEC trở thành các nền kinh tế năng động nhất thế giới.

“Nếu như năm 2006, Hoa Kỳ là nền kinh tế số 1, Nhật Bản đứng thứ 2 thế giới thì đến nay, người ta nói đến tứ cường trong APEC là Hoa Kỳ - Nga - Nhật Bản - Trung Quốc. Điều này tạo nên thách thức rất lớn đối với chủ nhà APEC 2017 khi phải dẫn dắt, điều hòa các khác biệt của các nền kinh tế thành viên”, ông Vũ nói.

Mặc dù vậy, giờ đây khi nhìn lại, Năm APEC 2017 tại Việt Nam, với điểm nhấn là Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, đã thành công hết sức tốt đẹp. “Trong tất cả các cuộc làm việc, các chuyến thăm và trao đổi của lãnh đạo cấp cao chúng ta với nguyên thủ các nước, họ đều đánh giá APEC 2017 thành công về cả nội dung và tổ chức”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết.

Thành công của APEC 2017 có thể đánh giá bằng những con số “biết nói” như sự tham gia của đầy đủ 21 nhà lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên, thúc đẩy song phương 4 chuyến thăm và hơn 50 cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Việt Nam với lãnh đạo các thành viên APEC, thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Canada và nhất trí nâng quan hệ Việt Nam - Australia lên đối tác chiến lược.

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã đón 2.800 phóng viên trong nước và quốc tế tham dự đưa tin. 2.100 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới tham dự APEC CEO Summit. Tại các sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, có 121 hợp đồng, thỏa thuận được ký kết với giá trị gần 20 tỷ USD… Đây là những con số kỷ lục, khẳng định sự thành công của Năm APEC 2017.

Đặc biệt, dưới vai trò là chủ nhà của Việt Nam, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã ra Tuyên bố Đà Nẵng và Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC cùng 6 văn kiện cấp cao. Theo ông Nguyễn Minh Vũ, đây là kết quả của quá trình vận động, xây dựng chương trình nghị sự hấp dẫn, thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc “điều hòa lợi ích, xây dựng đồng thuận, thu hẹp khác biệt”. “Các văn kiện này có cam kết quan trọng là giữ vững giá trị then chốt của APEC về tự do hóa thương mại đầu tư, ủng hộ thương mại đa phương, chống chủ nghĩa bảo hộ và không áp dụng các biện pháp bảo hộ từ nay đến năm 2020”, ông Vũ chia sẻ.

Thành công của công tác đối ngoại đa phương

Những hình ảnh đẹp của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng Tuyên bố Đà Nẵng đã thể hiện sự thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Nhưng đằng sau thành công đó là cả quá trình chuẩn bị từ rất nhiều năm trước và sự “cân não” ngay cả trong những ngày diễn ra Tuần lễ Cấp cao.

Ông Vũ chia sẻ, để ra được Tuyên bố Đà Nẵng và Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC là điều không dễ, bởi sự khác biệt “đến từng câu chữ” trong quan điểm của các nền kinh tế thành viên.

Rất nhiều cuộc đàm phán song phương lẫn đàm phán nhiều bên đã được thực hiện để có thể đi đến thống nhất, qua đó, đưa ra 4 ưu tiên đều được các nền kinh tế thành viên của APEC ủng hộ, bao gồm: tăng trưởng bền vững, sáng tạo, bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đánh giá về thành công này, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định: “Không một nền kinh tế nào cảm thấy mình đứng ngoài những ưu tiên đó. Điều này dẫn đến sự đồng thuận”.

Việc Việt Nam đã chọn đúng vấn đề, đúng ưu tiên, quan tâm chung của các thành viên APEC không chỉ nhờ phát huy những thành tựu, kết quả trong những năm trước, đáp ứng kỳ vọng của các thành viên, mà còn đến từ sự phân tích, đánh giá đúng tình hình, những thách thức của các vấn đề thế giới. “Chúng ta cũng đưa ra những vấn đề mới, như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những sáng kiến mới như tạo nguồn lực trong kỷ nguyên số, thương mại điện tử, cơ cấu kinh tế...”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay.

Có thể nói, thành công lớn nhất của Năm APEC 2017 là Việt Nam đã góp phần dẫn dắt APEC duy trì được mục tiêu trong bối cảnh hết sức phức tạp của tình hình kinh tế thế giới trong thương mại, đầu tư, khẳng định vai trò của APEC là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu của khu vực, tiếp tục các mục tiêu của APEC là tự do thương mại, thuận lợi hóa đầu tư và tăng trưởng.

Đó cũng là thành công của định hướng trong đường lối đối ngoại đa phương đã được Đại hội lần thứ XII của Đảng thông qua, trong đó nhấn mạnh, công tác đối ngoại đa phương không chỉ phải chuyển mạnh từ “tham dự” sang “chủ động tham gia”, nhất là vào quá trình xây dựng và định hình các quy tắc và luật lệ mới.

Nguồn: Báo Đầu Tư

Từ khóa: định hình luật chơi, cơ chế đa phương

Lượt truy cập

007384416
Go to top