Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu

Hội nhập với “chiến lược riêng”

apec-2017-dau-an-vi-the-cua-viet-nam-1

Tuyên bố Đà Nẵng được các nhà lãnh đạo kinh tế APEC thông qua tại hội nghị cấp cao cuối tuần trước đã khẳng định sự ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên hợp tác tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm. Trong tiến trình toàn cầu hóa, xu hướng hội nhập được xác định là tất yếu, song mỗi nước lại lựa chọn con đường riêng.

Thế giới đổi thay

“Hai mươi lăm năm qua, thế giới và khu vực có những chuyển biến sâu sắc về kinh tế, quan hệ quốc tế và tương quan lực lượng. Song với định hướng chiến lược lấy hợp tác kinh tế làm nền tảng, xóa bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư làm trọng tâm, chúng ta có thể hài lòng với những kết quả đạt được”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị cấp cao APEC 2017.

Những kết quả đó là gì? Đó là GDP của APEC đã tăng từ 16.000 tỉ đô la Mỹ năm 1989 lên hơn 20.000 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016. Thành tích này giúp nâng thu nhập của người dân trong khu vực thêm 74% và giúp hàng triệu người dân thoát khỏi tình trạng đói nghèo. 49% giao dịch thương mại quốc tế với mức thuế quan trung bình đã giảm từ 11% năm 1996 xuống còn 5,5% vào năm 2016.

“Đó là minh chứng cho nỗ lực của cả khu vực về tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, cũng như chia sẻ sự ổn định, phát triển và cùng thịnh vượng”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói với các bộ trưởng thương mại APEC ở Đà Nẵng.

Tổng thống Mỹ D.Trump, tại hội nghị với các lãnh đạo doanh nghiệp cũng thừa nhận những thành quả mà APEC mang lại. Ông dẫn chứng, đầu những năm 1990, gần một nửa người dân Việt Nam sống với chỉ vài đô la Mỹ mỗi ngày và cứ 4 người lại có một người phải chịu cảnh thiếu điện. Ngày nay, Việt Nam, với nền kinh tế mở cửa, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tăng hơn 30 lần. Sinh viên, học sinh Việt Nam được xếp vào hàng những người trẻ ưu tú nhất toàn cầu.

“Điều đó thật ấn tượng” - ông Trump nói

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá, APEC đã chứng tỏ tính năng động, khả năng thích ứng và chuyển đổi để trở thành diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực, động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế và thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc xử lý các thách thức cấp bách toàn cầu.

Song, ông nhấn mạnh, liên kết kinh tế ở khu vực đang gặp trở ngại do những bất định toàn cầu về thương mại tự do. “Hoàn cảnh hiện nay đòi hỏi APEC phải khẳng định và phát huy vai trò tiên phong trong việc tìm kiếm các động lực mới cho tăng trưởng, thương mại và đầu tư, kết nối”, ông nói.

Ganh đua ảnh hưởng

Tại hội nghị APEC lần này, các nước đều khẳng định xu hướng tất yếu của hội nhập, tầm quan trọng của tự do thương mại và hợp tác quốc tế. Song, mỗi nước có một cách tiếp cận riêng, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong dịp này đã một lần nữa khẳng định mạnh mẽ chính sách “nước Mỹ trên hết”. “Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên trên hết, và tôi mong muốn tất cả các quý vị trong hội trường này cũng làm như vậy đối với tổ quốc mình” - ông nói.

Tổng thống Mỹ một mặt ca ngợi những thành tựu của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, song cho rằng các quốc gia này đang tham gia quan hệ thương mại bất bình đẳng với Mỹ. “Sự mất cân bằng thương mại hiện nay là không thể chấp nhận được”, ông Trump nói

Ông dẫn chứng: “Chúng tôi hạ hoặc chấm dứt hàng rào thuế quan, thương mại, cho phép hàng hóa nước ngoài tự do vào Mỹ. Nhưng trong khi chúng tôi hạ các rào cản thị trường, những nước khác lại không mở cửa thị trường của họ cho chúng tôi”.

Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích các cơ chế thương mại như WTO là đối xử không công bằng. Ông nêu rõ: “Chúng tôi tuân thủ các nguyên tắc WTO về bảo vệ tài sản trí tuệ, đảm bảo cách tiếp cận thị trường bình đẳng. Song các nước khác lại tham gia bằng cách trợ giá sản phẩm, bán phá giá, thao túng tiền tệ… Họ phớt lờ các quy tắc để giành lợi thế trước những người tuân thủ luật chơi, tạo ra sự méo mó lớn trong thương mại, đe dọa các nền tảng của chính thương mại quốc tế”.

Ông Trump khẳng định: “Chúng ta không thể có những thị trường mở nếu không đảm bảo được tiếp cận thị trường một cách bình đẳng… Thương mại bất bình đẳng sẽ làm xói mòn tất cả chúng ta”.

Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ không để nước Mỹ bị lợi dụng thêm nữa. “Tôi sẽ ký các thỏa thuận thương mại song phương với bất cứ quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương nào muốn trở thành đối tác của Mỹ và sẽ tuân thủ nguyên tắc thương mại công bằng và có đi có lại. Điều chúng tôi không tiếp tục làm là tham gia vào những thỏa thuận lớn trói tay nước Mỹ, ảnh hưởng đến chủ quyền, cũng như khiến việc thực thi điều đó một cách có ý nghĩa trở nên bất khả thi trong thực tế”.

Đối ngược với chính sách của Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi toàn cầu hóa “xu thế lịch sử không thể đảo ngược” và ông cho rằng thương mại tự do cần được xem xét lại để trở nên “cởi mở, cân bằng và bình đẳng hơn”.

“Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế mở có lợi cho tất cả mọi người, sự mở cửa mang lại tiến bộ còn đóng cửa khiến chúng ta ở lại phía sau, các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương hiểu điều này quá rõ”, ông Tập nhấn mạnh.

Ông Tập đặt câu hỏi: “Đối mặt với những thay đổi sâu sắc trong kinh tế toàn cầu chúng ta nên dẫn đầu toàn cầu hóa kinh tế hay chỉ ngờ vực và do dự, bỏ lỡ cơ hội? Chúng ta có nên cùng nhau thúc đẩy hợp tác khu vực hay mỗi người, mỗi nước đi một đường”?

“Chúng ta phải đi cùng với thời đại, đáp ứng được trách nhiệm của mình”, ông Tập gọi đó là câu trả lời chung cho các nước.

Rõ ràng là cách tiếp cận về hội nhập của những người đứng đầu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là khác nhau, từ đó chính sách của họ cũng có những tác động nhất định đối với nền kinh tế toàn cầu.

John Delury, Giáo sư Đại học Yonsei, Hàn Quốc, nhận xét với tờ The New York Times: “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang mong đợi một sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ, không chỉ về an ninh mà còn về thương mại. Song chính sách nước Mỹ trên hết của Tổng thống D.Trump đã khiến các nhà lãnh đạo châu Á không khỏi băn khoăn”.

Ông Jeffrey A. Bader, cố vấn về Trung Quốc thời Tổng thống Barack Obama, cũng đồng quan điểm và cho rằng những tuyên bố của ông Trump sẽ làm cho các nhà lãnh đạo châu Á “cảm thấy rằng Mỹ ít có vai trò hơn ở khu vực”.

Ông Tang Siew Mun, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore bình luận: “Trung Quốc đã có những bước đi quan trọng trong khu vực. Thành công của Trung Quốc sẽ gây nhiều bất lợi cho Mỹ. Ông Tang ví von: chính sách “nước Mỹ trên hết” không khéo sẽ thành “nước Mỹ ở nhà một mình”.

Thực tế cho thấy, ngay sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì 11 thành viên cũng đã thỏa thuận tạo lập một hiệp định mới, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà không có Mỹ.

Hội nghị cấp cao APEC 2017 đã kết thúc với việc các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên bố Đà Nẵng, trong đó khẳng định: “Thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở ở châu Á - Thái Bình Dương là sứ mệnh của các nền kinh tế APEC”.

Song với những chiến lược hội nhập và phát triển mà các nền kinh tế lớn trong APEC như Mỹ và Trung Quốc đã đề ra, các thành viên còn lại cũng sẽ phải có những đường lối riêng để APEC tiếp tục là động lực thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn

Từ khóa: hội nhập, chiến lược riêng

Lượt truy cập

007387489
Go to top