Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu

Oxfam: 8 ý tưởng vì một nền kinh tế APEC "không để ai bị bỏ lại phía sau"

oxfam

Trong bản báo cáo mới nhất của Oxfam với tiêu đề “Nhìn nhận lại về tăng trưởng bao trùm ở châu Á - Làm thế nào để APEC vươn tới nền kinh tế không ai bị bỏ lại phía sau?”, bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Quốc Gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã nêu ra 8 đề xuất để hiện thực hóa khát vọng của APEC về tăng trưởng bao trùm.

Nghèo đói và bất bình đẳng cực đoan không phải do số phận gây ra

Chỉ còn 7 ngày nữa, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ họp mặt tại Đà Nẵng, Việt Nam. Hội nghị thượng đỉnh tại Đà Nẵng lần này là cơ hội để các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế thẳng thắn nhìn lại các chính sách, mô hình tăng trưởng và sự thất bại trong việc tiến tới thịnh vượng chung.

Nhân sự kiện này, bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Quốc Gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã có bài viết với tiêu đề “Nhìn nhận lại về tăng trưởng bao trùm ở châu Á - Làm thế nào để APEC vươn tới nền kinh tế không ai bị bỏ lại phía sau?”.

Qua đó, Oxfam muốn nhấn mạnh: Nghèo đói và bất bình đẳng cực đoan không phải do số phận gây ra. Những vấn đề này hoàn toàn có thể được giải quyết và xóa bỏ. Các nhà lãnh đạo APEC giữ một vai trò đặc biệt trong việc chấm dứt những vấn đề dai dẳng này bằng việc kiến tạo và thúc đẩy nền kinh tế nhân văn mà ở đó không ai bị bỏ lại phía sau, một thế giới tươi sáng cho các thế hệ sau.

Được xây dựng dựa trên các ước tính về thu nhập của hộ gia đình, tại châu Á - Thái Bình Dương, hệ số Gini về bất bình đẳng trong phân phối thu nhập tăng từ 0,37 thành 0,48 trong giai đoạn 1990-2014, tăng gần 30% trong giai đoạn chưa đầy ba thập kỷ. Cụ thể, tại Indonesia, bốn người giàu nhất có khối tài sản lớn hơn 100 triệu người nghèo nhất.

Tại Việt Nam, thu nhập trong một năm của 210 người siêu giàu dư sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo, chấm dứt nghèo cùng cực. Tương tự, tại Thái Lan, 1% những cá nhân giàu có sở hữu 56% khối tài sản quốc gia. Tại Indonesia, 1% tổng dân số nắm giữ nửa tổng tài sản của toàn nước.

Theo đánh giá của Oxfam, sau nhiều thập kỷ dẫn đầu thế giới về tăng trưởng, mang lại lợi ích chung cho mọi người, ngày nay châu Á đang dần trở thành khu vực có sự phân hóa rõ ràng về kinh tế và xã hội giữa những cá nhân giàu có và người yếu thế.

Có bốn nguyên nhân chính để giải thích cho vấn đề này

Một là, mô hình kinh tế trong khu vực đang chuyển lợi ích của phụ nữ, công nhân, nông dân, ngư dân và người sản xuất nhỏ sang cho các thế lực cao hơn. Thay vì mở rộng tiếp cận đất đai và những nguồn lực sản xuất khác cho nhóm phụ nữ, công nhân và người dân nghèo, mô hình kinh tế hiện nay vẫn tiếp tục làm giàu cho một vài cá nhân thâu tóm những nguồn lực này.

Hai là, phụ nữ thường bị phân biệt đối xử trong lao động việc làm. Việc phụ nữ phải gánh chịu việc làm không được trả công và những công việc trả lương thấp đang làm trầm trọng hóa vấn đề bất bình đẳng giới. Mặc dù những công việc này là cơ sở tiền đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng chính hệ thống mà họ đang đóng góp này lại bỏ họ tụt lại phía sau.

Ba là, nền tài khóa không công bằng mà ở đó những tập đoàn lớn và cá nhân giàu có không đóng đúng và đủ nghĩa vụ thuế, đang làm ảnh hưởng đến đầu tư công cho các dịch vụ thiết yếu. Chất lượng các dịch vụ công như chăm sóc y tế toàn dân, giáo dục và an sinh xã hội đang có dấu hiệu suy giảm, điều này làm giảm cơ hội cho thế hệ tương lai, phá vỡ vòng xoáy nghèo đói.

Bốn là, người dân không chỉ thiếu tiếp cận với mức lương thỏa đáng, nguồn lực sản xuất và dịch vụ công mà họ còn thiếu cơ hội đóng góp tiếng nói, thiếu khả năng tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định. Hầu hết các quyết định về kinh tế được hình thành sau những cánh cửa kín mà thiếu hẳn cơ chế tham gia của các bên liên quan trong đó có người dân.

8 đề xuất để hiện thực hóa khát vọng của APEC về tăng trưởng bao trùm

Trong bản báo cáo mới nhất của Oxfam với nhan đề “Nhìn nhận lại về tăng trưởng bao trùm ở châu Á - Làm thế nào để APEC vươn tới nền kinh tế không ai bị bỏ lại phía sau”, tổ chức này đề xuất để hiện thực hóa khát vọng của APEC về tăng trưởng bao trùm như sau:

Thứ nhất, các nhà lãnh đạo APEC cần nhìn nhận bất bình đẳng đang gia tăng là mối đe dọa tới sự tăng trưởng và thịnh vượng của khu vực. Các nhà lãnh đạo nên thông qua các mục tiêu quốc gia với mốc thời gian rõ ràng để giảm khoảng cách giàu nghèo, theo những cam kết của họ tại Mục tiêu Phát triển Bền vững số 10.

Thứ hai, huy động ngân sách là yếu tố then chốt để có thể cung cấp tài chính cho các mục tiêu phát triển bền vững và dịch vụ công. Các nhà lãnh đạo APEC cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng hệ thồng thuế mà ở đó những cá nhân giàu có và tập đoàn phải đóng đúng và đủ nghĩa vụ thuế của mình, đồng thời chấm dứt tình trạng trốn và tránh thuế. APEC cần thúc đẩy hợp tác trong khu vực và toàn cầu để xóa bỏ xói mòn cơ sở thuế, chuyển lợi nhuận và nâng cao khả năng quản lý thuế.

Thứ ba, các dịch vụ công thiết yếu có khả năng chuyển hóa nghèo đói, vì vậy các quốc gia nên tận dụng nền tảng APEC để tái khẳng định cam kết của mình với việc tăng nguồn lực cho các dịch vụ công thiết yếu như giáo dục, y tế và an sinh xã hội. Đặc biệt, cần tôn trọng các mục tiêu quốc tế về việc dành ít nhất 15% ngân sách để chi tiêu cho y tế và 20% ngân sách cho giáo dục.

Thứ tư, các nhà lãnh đạo APEC cần thiết lập những quy định về mức lương đủ sống và coi đây là một hợp phần chính trong chiến lược của mình nhằm thúc đẩy phát triển bao trùm và giảm chênh lệch thu nhập theo giới tính. Đồng thời, các chính phủ cần tuân thủ Tuyên bố Bali về Quyền lao động và Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về Kinh doanh và Quyền Con người

Thứ năm, hỗ trợ các Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) do phụ nữ lãnh đạo và làm chủ - APEC nên bảo đảm và mở rộng tiếp cận của phụ nữ với tín dụng và vốn; đầu tư vào việc năng cao năng lực cho phụ nữ, đặc biệt là về phát triển và quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, APEC cần khuyến khích những nền kinh tế thành viên mở rộng và phát triển các dịch vụ công hướng tới mục tiêu hỗ trợ công việc chăm sóc, giảm và tái phân bổ công việc chăm sóc không lương. Điều này sẽ tạo điều kiện để phụ nữ có thể đầu tư thời gian và công sức vào khởi xướng và quản lý doanh nghiệp cũng như mở rộng các lựa chọn về cuộc sống không chỉở khía cạnh kinh tế.

Thứ sáu, thúc đẩy sự tham gia trực tiếp của công dân trong các trụ cột về tăng trưởng bao trùm của APEC. Các nhà lãnh đạo APEC cần thúc đẩy sự tham gia trực tiếp và tăng quyền của công dân trong cả ba trụ cột về tăng trưởng bao trùm- bao gồm kinh tế, xã hội và tài chính. APEC có thể tạo môi trường thuận lợi để cộng đồng có thể đóng góp vào quá trình ra quyết định và đảm bảo rằng người lao động được đại diện trong các cấu trúc doanh nghiệp.

Thứ bảy, thiết lập một cơ chế tham gia cho các nhóm đối tượng khác nhau của APEC sao cho các đại diện từ các tổ chức của người dân và các nhóm xã hội dân sự có thể tham gia và đóng góp vào các tiến trình APEC. Những cơ chế này sẽ minh chứng cho cam kết của APEC về phát triển bao trùm.

Thứ tám, đo lường các tiến triển của việc giảm bất bình đẳng - Mục tiêu Phát triển Bền vững số 10 nêu rằng: Đến năm 2030, dần dần đạt được và duy trì tốc độ tăng trưởng thu nhập ở mức cao hơn mức trung bình quốc gia cho 40% dân số có thu nhập thấp nhất. Trên cơ sở đó, các nền kinh tế thành viên APEC cần đặt những mục tiêu quốc gia rõ ràng để giảm bất bình đẳng, thu thập các dữ liệu về nhóm có thu nhập và tài sản cao nhất, nhằm đạt được Mục tiêu số 10.

Nguồn: Oxfam – Dân trí (lược ghi)

Từ khóa: Oxfam, 8 ý tưởng, nền kinh tế, APEC, không để ai bị bỏ lại phía sau

Lượt truy cập

007387431
Go to top